Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp Nhật “kết” phần mềm Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ trở thành đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm ở nước ngoài với 23% lượng đơn đặt hàng (Ấn Độ là 13,7%).

Kết quả này ghi nhận mối quan hệ hợp tác ngày càng hiệu quả và bền chặt giữa DN hai nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).

Việt Nam là đối tác được ưa thích nhất

Theo khảo sát nhanh của Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) công bố tại Tuần lễ CNTT Nhật Bản (Japan ICT Week) năm 2013 (khai mạc ngày 23/10), 61% DN đánh giá khó khăn lớn nhất trong hợp tác giữa DN Việt Nam - Nhật Bản là rào cản ngôn ngữ (tiếng Nhật), nhưng DN Việt Nam vẫn có thể phát triển được nguồn nhân lực cho đối tác Nhật Bản. Trên thực tế, các DN trong nước có quan hệ hợp tác với Nhật Bản trong năm 2012 đều đạt mức tăng trưởng cao từ 30 - 50%, thậm chí có DN đạt tới 300% so với năm 2011.

Công ty Phần mềm FPT Software, DN xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam là một ví dụ. Hiện Nhật Bản là thị trường đóng góp doanh thu lớn nhất và là một trong những thị trường quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu hóa của Công ty.  3 năm gần đây (2010 - 2012), doanh thu từ thị trường Nhật Bản của FPT Software luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27,5%/năm. Còn theo ông Bùi Quang Huy - Giám đốc Công nghệ Công ty RikkeiSoft, doanh thu từ thị trường Nhật Bản luôn có tốc độ tăng trưởng hơn 100%/năm.

 
Trong lĩnh vực CNTT, doanh nghiệp Việt Nam đang được doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao hơn cả doanh nghiệp Ấn Độ, Trung Quốc. Ảnh: Anh Dũng.
Trong lĩnh vực CNTT, doanh nghiệp Việt Nam đang được doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao hơn cả doanh nghiệp Ấn Độ, Trung Quốc. Ảnh: Anh Dũng.
Với ưu điểm về giá rẻ, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia xuất khẩu phần mềm trên thế giới và  các sản phẩm phần mềm của DN Việt Nam ngày càng được các DN Nhật Bản biết đến và lựa chọn. Đáng chú ý, theo một khảo sát do Hiệp hội Tin học Nhật Bản vừa thực hiện đối với hơn 1.100 DN CNTT Nhật Bản về hoạt động thuê ngoài (offshore), đã có khoảng 31,5% các công ty CNTT Nhật Bản lựa chọn Việt Nam, cao hơn nhiều so với sự lựa chọn Ấn Độ (20,6%), Trung Quốc (16,7%)...

Còn nhiều tiềm năng

Tại lễ khai mạc Tuần CNTT Nhật Bản năm 2013, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA khẳng định, mặc dù quan hệ hợp tác giữa các DN Việt Nam - Nhật Bản đã có bước tiến vượt bậc trong vài năm trở lại đây, song vẫn còn rất nhiều tiềm năng để nâng tầm mối quan hệ này cả về chiều rộng và chiều sâu. Việt Nam tuy đứng sau Trung Quốc về số lượng đơn hàng với Nhật Bản, nhưng về giá trị mới chỉ bằng 1/30 quy mô của Trung Quốc. Hiện đang có làn sóng các DN Nhật Bản rời bỏ thị trường Trung Quốc tìm đến các quốc gia khác có môi trường và đối tác ổn định hơn, trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn. Các DN Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt tốt xu hướng này.

Số liệu từ Bộ KH&CN cho thấy, với lợi thế về giá thành và những ưu đãi về thuế, Việt Nam đã thu hút gần 80 công ty liên quan tới CNTT của Nhật Bản tới đầu tư, chiếm tới 19,2% ứng dụng phần mềm phát triển tại nước ngoài của các công ty Nhật Bản. Dự kiến đến cuối năm sẽ có thêm 20 công ty Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào thị trường trong nước.

Đánh giá cao việc các DN Việt Nam được DN Nhật Bản bình chọn là đối tác ưa thích nhất, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định, sự kiện Tuần CNTT Nhật Bản năm 2013 sẽ góp phần kết nối các DN CNTT, thúc đẩy phát triển thị trường CNTT, đặc biệt là hoạt động gia công phần mềm giữa 2 nước, qua đó góp phần nâng cao quan hệ hợp tác chiến lược Việt - Nhật.

 
Tuần lễ CNTT Nhật Bản 2013 diễn ra từ ngày 23 - 26/10 tại Hà Nội và Đà Nẵng nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Trong dịp này sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức: các hội thảo và thảo luận (23/10), Diễn đàn phát triển kinh doanh hải ngoại và hội chợ việc làm (24/10), DN Nhật Bản thăm quan các DN, Trường đại học Việt Nam, khu công nghệ cao (25/10), Giao lưu tại Đà Nẵng (các ngày 24, 25 và 26/10).