Tuy nhiên, không ít DN trong số đó dù báo lỗ kéo dài nhiều năm nhưng vẫn không ngừng mở rộng quy mô hoạt động và đầu tư vào các dự án mới với số vốn không nhỏ vì đến nay chưa có chế tài xử lý, điển hình là trong ngành sản xuất đồ uống…
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Thông tin từ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho thấy: Riêng năm 2012, lỗ phát sinh của các DN trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam lên tới trên 2,2 ngàn tỷ đồng, trong đó hơn 10 đơn vị có lỗ lũy kế kéo dài nhiều năm. Song, nghịch lý là một số DN nước ngoài dù báo lỗ vẫn không ngừng đầu tư mới với số vốn khổng lồ. Điều này không những làm thất thu thuế thu nhập DN mà còn tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, khiến nhiều DN Việt Nam điêu đứng.
Theo đại diện VBA, Hiệp hội hiện có 120 hội viên, song trước sự cạnh tranh của các "đại gia" nước ngoài, hiện chỉ còn một số ít DN trong nước sống sót, trong đó lớn nhất là Tập đoàn Tân Hiệp Phát với sản phẩm trà xanh Không Độ, trà thảo mộc Dr. Thanh, nước tăng lực Number One... Tuy nhiên, bên cạnh những thương hiệu lớn trong ngành nước giải khát thế giới, sự cạnh tranh của các DN trong nước ngày càng gặp khó khăn hơn ngay trên chính sân nhà... Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh: “Trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, người tiêu dùng hãy tỏ rõ quan điểm của mình, đòi hỏi DN phải có trách nhiệm xã hội".
Trước thực tế trên, VBA đã kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành bổ sung những quy định để tăng cường giám sát, xử lý vi phạm trong việc thực thi chính sách về thuế, đầu tư, cạnh tranh, về thương hiệu hàng hóa… Đặc biệt, cần đưa quy định những DN bị lỗ kéo dài, không được mở rộng sản xuất cùng mặt hàng đó. Đồng thời, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát chế độ khuyến mãi để tránh lách luật chống bán phá giá; sớm điều chỉnh, bổ sung các quy định về chi phí quảng cáo để đáp ứng nhu cầu thực tế và phù hợp khả năng tài chính của DN.
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Phan Đăng Tuất tỏ ra bức xúc bởi quy định trần chi phí dành cho quảng cáo 10% trên tổng chi phí hợp lệ đang gây rất nhiều thiệt thòi cho các DN. Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hương Sen (Thái Bình) cho rằng, hiện chi phí quảng cáo quá đắt, mức trần quảng cáo hiện đang gây rất bất lợi cho những DN nhỏ, DN mới ra đời với số vốn ít, và chỉ có lợi cho những "ông lớn".