Khó khăn, doanh nghiệp xin giãn thuế
Số thuế mà Công ty CP ô tô Trường Hải - Thaco xin giãn 1 năm này (số tiền khoảng 1.214 tỷ đồng, kể từ ngày 1/7 năm nay đến ngày 30/6/2014), thay vì nộp cho ngân sách sẽ được DN đầu tư cho sản xuất ô tô mà công ty đang theo đuổi ở các khía cạnh công nghiệp hỗ trợ, cảng và hậu cần cảng, trường cao đẳng nghề, nhà ở cho công nhân… Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng thành viên của Thaco cho biết: "Nếu không tiếp tục đầu tư để đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40% thì năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN hạ xuống 0%, việc sản xuất ô tô của Thaco sẽ gặp nhiều khó khăn".
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức.Ảnh: Yên Chi
Lý do này cũng được Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đưa ra trong lá đơn xin gia hạn đóng thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư ô tô phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô trong nước từ ngày 1/7 đến 31/12/2013 với tổng giá trị 180 tỷ đồng. VEAM cũng hứa sẽ sử dụng số tiền được gia hạn nộp thuế này để đẩy mạnh đầu tư vào dây chuyền dập cabin tại nhà máy nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm… Ngoài ra, một số DN khác như Công ty CP ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), Công ty CP Tập đoàn Thành Công, Công ty CP ô tô TMT và Công ty TNHH ô tô Đông Phương... cũng đã và đang có những kiến nghị gia hạn thuế.
Theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, người nộp thuế có quyền được gia hạn nộp thuế, tiền phạt, còn nợ nếu không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp "khó khăn đặc biệt". Thẩm quyền gia hạn do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Tài chính. Chưa biết nguyện vọng của VEAM cũng như của các công ty ô tô khác có tìm được sự đồng thuận này hay không. Nhưng "nếu Thaco được phép giãn nộp số thuế lớn như vậy thì các DN ô tô khác sẽ chạnh lòng" - đại diện một đơn vị lắp ráp ô tô trong nước (không tiện nêu tên) nói.
5 năm liệu có kịp?
Năm qua, tình hình kinh doanh ô tô bị sụt giảm mạnh, nên trong đề xuất chiến lược phát triển ngành ô tô, Bộ Công Thương đã xây dựng các chính sách ưu đãi để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô, nhất là chính sách ưu đãi về thuế. Cụ thể, Bộ đã đề xuất một số phương án giảm thuế, phí cho dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.0L như giảm 50% lệ phí trước bạ và giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt, hay miễn 50% đồng thời cho thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ, và giảm 70% lệ phí trước bạ và thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe chiến lược. Đồng thời, đối với các linh kiện chưa sản xuất được trong nước, Bộ đề nghị áp dụng mức thuế suất nhập khẩu là 0%.
Một số chuyên gia lo ngại, việc miễn giảm thuế, phí này chưa chắc đã mang lại hiệu quả như mong muốn trong khi nguồn thu ngân sách sẽ giảm mạnh. 20 năm nay dù đã được "chăm bẵm" với những ưu đãi về thuế, đầu tư nhưng Việt Nam vẫn chưa có được một ngành công nghiệp ô tô đúng nghĩa. Ngoại trừ một số tổng công ty lớn, các DN chủ yếu chỉ sản xuất một số phụ tùng, phục vụ cho dịch vụ thay thế và sửa chữa. Xét về quy mô thì thị trường ô tô của Việt Nam còn quá nhỏ bé.
Hiện tại, hàng rào bảo hộ về thuế cao ngất ngưởng đã làm cho giá nhập khẩu xe vào Việt Nam thường cao gấp 2 - 3 lần so với giá xe tại các nước trong khu vực. Người tiêu dùng không còn sự lựa chọn nào khác, buộc phải chấp nhận mua xe lắp ráp trong nước. Vừa qua, đúng thời điểm Nhà nước giảm lệ phí trước bạ đối với xe dưới 10 chỗ, Toyota Việt Nam đã công bố tăng giá bán 24 mẫu xe lên từ 9 - 51 triệu đồng/xe, mức tăng trung bình là 1,66% với lý do tỷ giá tăng. Việc tăng giá kiểu "mượn gió bẻ măng" chỉ làm thiệt hại người tiêu dùng mà ngân sách thu thêm không được là bao. Các DN ô tô phải chăng được nuông chiều, ưu ái quá nên đã quen với việc này?
Từng có giả thiết, trong trường hợp các ngành, các DN đặt quyết tâm phát triển công nghiệp ô tô thì liệu có "chạy" kịp trước sức ép hội nhập? 20 năm hưởng ưu đãi vẫn dậm chân tại chỗ thì khoảng thời gian 5 năm thực tế (từ nay đến 2018) chẳng thấm tháp gì đối với một ngành công nghiệp quan trọng như ô tô. Song song với nguy cơ phá sản hoàn toàn bởi sức ép ngày càng mạnh từ xe nhập khẩu, nhiều chuyên gia trong ngành cũng nhận định đây chính là cơ hội phát triển của công nghiệp ô tô Việt Nam, nhưng là cơ hội cuối cùng.
Đến năm 2014, thuế xe nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ giảm từ 83% hiện tại xuống 70%. Dòng xe có dung tích xi lanh từ 2.5 trở lên sẽ giảm thuế suất từ 90% xuống 52% vào năm 2019. Đối với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước ASEAN, tốc độ giảm thuế sẽ nhanh hơn so với cam kết WTO. Các loại xe chở người đến 9 chỗ sẽ có thuế suất 0% vào năm 2018. Tất cả những điều này là thách thức không nhỏ cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nước nhà. |