Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp phải chủ động tìm hướng vào ASEAN

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập sâu sắc hơn trong khối ASEAN nói riêng không chỉ phụ thuộc vào vai trò định hướng của Nhà nước, mà yếu tố then chốt quyết định thành công là sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp (DN)".

“Lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập sâu sắc hơn trong khối ASEAN nói riêng không chỉ phụ thuộc vào vai trò định hướng của Nhà nước, mà yếu tố then chốt quyết định thành công là sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp (DN)" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu (XK) 2014 diễn ra ngày 17/4, trong khuôn khổ Vietnam Expo 2014 do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức.

Theo thông tin cung cấp tại Diễn đàn, trong vòng 1 thập kỷ qua, kim ngạch thương mại Việt Nam - ASEAN đã tăng gần 4 lần, từ 9 tỷ USD năm 2003 lên gần 40 tỷ USD năm 2013. ASEAN những năm gần đây liên tục là thị trường XK lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Mỹ và EU. Ba tháng đầu năm nay, ASEAN tiếp tục duy trì vị trí này, với kim ngạch XK đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện ASEAN đang đàm phán một hiệp định tổng thể với cả 6 đối tác thuộc FTA ASEAN + 1, gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Ấn Độ. Cơ hội mở ra rất lớn cho các DN khi Việt Nam hội nhập sâu vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang được kỳ vọng ra đời vào cuối năm 2015. Đó là, việc bán hàng sang các nước ASEAN sẽ thuận lợi gần như bán hàng trong nước, giúp nâng cao tính minh bạch, đồng thời giảm bớt thời gian cho thủ tục XNK, từ đó thuận lợi hơn trong việc hưởng ưu đãi thông qua cải cách thủ tục xuất xứ, tiến tới cho phép tự chứng nhận xuất xứ. Bên cạnh đó, DN trong nước sẽ tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước ASEAN cũng như các đối tác ngoài ASEAN, từ đó có thể tham gia quá trình phân công lao động, hợp tác liên kết sản xuất với các DN thuộc ASEAN, tạo động lực thúc đẩy tái cấu trúc, thay đổi cơ cấu sản xuất và phương hướng kinh doanh.

Mặc dù đón đầu nhiều cơ hội do AEC mang lại, song giới chuyên gia khuyến cáo, sẽ có 5 thách thức lớn đối với các DN Việt Nam, đó là: Cạnh tranh về hàng hóa, cạnh tranh về dịch vụ, cạnh tranh về thu hút đầu tư, đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại, và yêu cầu về chất lượng hàng hóa cũng như phương thức kinh doanh ngày càng cao. Trong đó, với nhóm các nước ASEAN 6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines), hàng hóa chịu sự cạnh tranh cao như tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã.

Trước sức ép cạnh tranh tăng dần, bà Phạm Thị Hồng Thanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) khuyến cáo: Bên cạnh tìm hiểu thị trường để nâng cao giá trị XK vào thị trường AEC tiềm năng, bản thân DN nên chủ động. Chừng nào DN có chiến lược dài hơi, sản phẩm mới tìm được chỗ đứng trên thị trường khu vực. "DN nên sớm thay đổi theo hướng chuyên nghiệp. Song song với việc tìm ra mặt hàng có thể tiêu thụ, cạnh tranh tại các nước ASEAN, đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Đồng thời nên tìm kiếm đối tác trong và ngoài ASEAN để dựa vào, bổ sung cho nhau trong sản xuất" - ông Trần Thanh Hải khuyến cáo.