Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tặng quà tại Công ty Cổ phần Ba Huân. Ảnh: Hữu Tiệp |
Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty Ba Huân Hà Nội cho biết: Cho đến nay, toàn hệ thống Công ty Ba Huân đã được khép kín quy trình sản xuất từ trang trại đến bàn ăn theo tiêu chuẩn công nghệ cao với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, gồm: 1 trang trại chăn nuôi gà lấy trứng quy mô 18ha, tổng đàn trên 1 triệu con tại Bình Dương; 1 trang trại gà lấy thịt quy mô 34ha, tổng đàn trên 5 triệu con tại Long An; 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương công suất 20 tấn/giờ; 2 nhà máy xử lý trứng gia cầm tổng công suất hơn 300.000 trứng/giờ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; 1 nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An công suất 50 tấn/ngày.
Hệ thống phân phối của Công ty đã phủ kín tại các siêu thị nhiều tỉnh, thành, đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; là đối tác của nhiều hãng thức ăn nhanh, DN sản xuất sử dụng nguyên liệu từ trứng và thịt gia cầm; đồng thời có hệ thống phân phối ở các chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tiện ích tại các khu dân cư tập trung ở các đô thị lớn. Ba Huân hiện có gần 900 lao động, mức lương bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng.
Riêng tại Hà Nội, sau hơn 2 năm xây dựng và đưa vào hoạt động, hiện Nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao công suất 65.000 trứng/giờ trên địa bàn Phúc Thọ đã có trên 60 lao động trong đó 95% là lao động địa phương, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng. Công ty còn mở thêm nhiều cửa hàng thực phẩm sạch tại quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm và huyện Phúc Thọ để cung cấp cho địa bàn dân cư; đặc biệt ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu tại các huyện ngoại thành Hà Nội như: Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ… theo hình thức liên kế với bà con nông dân, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà người lao động Công ty Cổ phần Ba Huân. Ảnh: Hữu Tiệp |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty cũng mạnh dạn đề xuất các cấp quản lý có biện pháp thiết thực trong kiểm tra, giám sát để những DN đầu tư vào chuỗi sản xuất sạch không phải đứng trước nghịch lý “sản phẩm sạch cạnh tranh với sản phẩm không sạch”; mong được hỗ trợ truyền thông về an toàn VSTP hơn để người tiêu dùng được trang bị kiến thức tiêu dùng, thay đổi nhận thức, thói quen phù hợp tiến bộ khoa học.
Tặng quà các công nhân tiêu biểu và thăm dây chuyền xử lý trứng gia cầm công nghệ cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng trước cơ ngơi khang trang của một DN do nữ lãnh đạo - bà Phạm Thị Huân, người phụ nữ dám dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn từ khi còn rất trẻ và cả đời gắn bó với nông dân, vượt bao thử thách, có tầm nhìn xa. Khi cúm gia cầm diễn ra cách đây nhiều năm, bà Huân đã quyết tâm nghiên cứu làm sao cung cấp trứng sạch cho người dân; khi Hà Nội chưa có nhà máy sản xuất trứng sạch, thì bà đã lặn lội từ Nam ra, biến một khu đất hoang cách đây chỉ hơn 2 năm giờ trở thành một nhà máy hiện đại. DN của bà đã dám đối mặt với cạnh tranh khốc liệt giữa thực phẩm sạch với thực phẩm không sạch, để thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân...
“Tôi rất quan tâm những DN dám đầu tư mạnh dạn vào nông nghiệp nông thôn, đưa sản phẩm sạch không chỉ bán ở siêu thị mà còn vào nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm. Ba Huân đã không chỉ làm trứng gà sạch mà còn sản xuất cả nhiều thực phẩm sạch từ con gà, sản xuất thức ăn chăn nuôi sạch. Và tôi đặc biệt cảm phục ý chí, tâm huyết, chiến lược đầu tư của DN do nữ lãnh đạo như chị Huân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và lưu ý: Công ty cần nghiên cứu để không còn lãng phí hiện nay khi công suất nhà máy vẫn tương đối thấp. Mà để làm được, không chỉ là việc của chính quyền mà còn cần DN quảng bá truyền thông tốt để người dân biết nhiều đến sản phẩm sạch; cần mở rộng phạm vi thu mua cho nông dân.
Các công nhân ở đây đang “ly nông” mà không phải “ly hương”, nên cố gắng làm việc, chấp hành tốt nội quy của Công ty, tăng năng suất lao động để phát triển Nhà máy. Các cấp lãnh đạo TP, sở, ngành, lãnh đạo địa phương cần quan tâm hơn tới các DN như Ba Huân để góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho Phúc Thọ nói riêng, Hà Nội nói chung; cũng cần có ngày càng nhiều DN hướng về nông nghiệp, nông thôn để bớt khó khăn cho người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra.