Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp sẽ chủ động hơn khi hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian tới, Nhà nước nên đẩy mạnh việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, qua đó hỗ trợ DN thực thi một cách có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc giữa UBND TP Hà Nội với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đánh giá quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Chính sách pháp luật chưa ổn định

Báo cáo của UBND TP cho thấy, sau khi Việt Nam ra nhập WTO, kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hiện đã có 63 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên 3.000 dự án vào Hà Nội với vốn đăng ký 23,465 tỷ USD. Bên cạnh đó, các DN Hà Nội đã mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu đã được đa dạng hóa, qua đó kích cầu sản xuất. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. 	 Ảnh:  Hoài Nam
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoài Nam
Cụ thể năm 2007, trong cơ cấu kinh tế của Hà Nội, lĩnh vực dịch vụ chiếm 52,1%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 41,3%; Nông nghiệp 6,6%, đến nay cơ cấu các ngành tương ứng là: 3,4%; 41,7% và 4,9%. Nhằm hỗ trợ các DN hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà nước đã ban hành, sửa đổi một số bộ luật mới phù hợp với cam kết của WTO, đồng thời có tác dụng hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng đầu tư...

Tuy nhiên, tại buổi giám sát, nhiều đại biểu có chung ý kiến: Một số văn bản pháp luật liên quan tới công tác quản lý Nhà nước thường xuyên thay đổi, tính ổn định chưa cao khiến công tác thi hành pháp luật ở địa phương gặp khó khăn. Ông Yamasaky - Tổng Giám đốc Công ty TNHH TOTO Việt Nam phản ánh: Hiện những bộ luật liên quan đến hoạt động sản xuất của DN Việt Nam cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài liên tục thay đổi, gây không ít khó khăn cho DN.

Ngoài ra trong quá trình xây dựng, sửa đổi các luật, DN ít được tham gia đóng góp ý kiến. Còn theo ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội: Để có thể cạnh tranh được với DN bán lẻ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đòi hỏi DN nội phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu thông qua việc quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, bổ sung sửa đổi, các nhà làm luật lại chưa đề cập nhiều đến những chính sách nhằm hỗ trợ DN Việt Nam, dẫn đến DN nội đang phải chịu sự cạnh tranh thiếu công bằng từ phía DN nước ngoài. “Theo quy định, DN nội không được chi cho quảng bá sản phẩm, thương hiệu quá 10% chi phí, trong khi DN nước ngoài được chi cho hoạt động này lên đến 40%. Thậm chí, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang nhận được nhiều chính sách ưu đãi thuê mặt bằng bán lẻ hơn DN Việt Nam” - ông Vũ Thanh Sơn nêu ý kiến.

Chuyển đổi phù hợp thực tế

Phản ánh từ phía DN cho thấy hệ thống cơ chế, chính sách chung của Nhà nước chưa đồng bộ; Thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế chưa có tính hệ thống và chưa đưa ra những nhận định chuyên sâu về tác động bất lợi khi tham gia kinh tế quốc tế đối với từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới, các nhà xây dựng luật cần chú trọng việc tham vấn ý kiến DN, từ đó giúp DN trong nước chủ động hơn trong việc hội nhập kinh tế.

Tại buổi làm việc, các DN có chung đề xuất: Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại FTA cần có chính sách khuyến khích các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, cơ quan trực tiếp tham gia đàm phán có những bài viết đánh giá sâu tác động của các cam kết trong WTO, FTA đối với từng ngành hàng, lĩnh vực. Trước hết, để thông tin đến địa phương, hiệp hội, ngành hàng, rồi đến từng DN để có những sự chủ động khi mở rộng đầu tư, thị trường.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng kiến nghị: Trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm thực thi có hiệu quả các FTA đã ký cũng như sẽ ký kết. Hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp phù hợp với pháp luật quốc tế. Đồng thời cần có lộ trình cụ thể, dài hạn trong việc ban hành các văn bản pháp luật đảm bảo tính ổn định, giúp công tác thực thi được thuận lợi.

Có chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế, nhất là chế biến nông sản. Xây dựng chính sách thu hút đầu tư, tạo hành lang pháp lý để các DN FDI đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải công cộng. “Tiếp tục nâng cao năng lực thể chế, rà soát cơ chế chính sách theo hướng thị trường phù hợp với điều kiện mới là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm giúp kinh tế Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.