Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ: Tăng cường quảng bá, tìm kiếm khách hàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tìm kiếm khách hàng, đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) "từ làng ra thế giới" là yếu tố quyết định sống còn đến sự phát triển của các làng nghề Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Nhưng, đây lại đang là một trong những khó khăn lớn, nhất là trong thời điểm suy thoái kinh tế hiện nay. Nhận thức được điều đó, thời gian gần đây, Hà Nội đã có nhiều chương trình hỗ trợ các làng nghề trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm khách hàng.

Doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ: Tăng cường quảng bá, tìm kiếm khách hàng - Ảnh 1

Để mở rộng thị trường, sản phẩm thủ công mỹ nghệ phải đa dạng về mẫu mã mới.

Ngày càng khó kiếm khách hàng

Chương Mỹ là một trong những huyện dẫn đầu Hà Nội với 33 làng nghề, chủ yếu sản xuất mây tre giang đan xuất khẩu. Trái với cảnh tấp nập chất hàng đưa đi xuất khẩu những năm trước, một vài năm trở lại đây, làng nghề trở nên đìu hiu. Không những không tìm được đối tác mới, nhiều doanh nghiệp đã mất những hợp đồng lớn với đối tác nước ngoài do khó khăn về kinh tế cũng như hàng hóa kém sức cạnh tranh với sản phẩm các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan. Nguồn vốn tồn đọng, không ít doanh nghiệp đã phải vay vốn lãi suất cao dẫn đến thua lỗ lặng.

Tương tự tại các làng nghề khác như Phú Xuyên, Thường Tín… trước đây chuyên sản xuất các mặt hàng TCMN xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Nga, Nhật Bản… nhưng hiện nay sức tiêu thụ đã giảm xuống 50 - 70%. Các đơn hàng giảm số lượng hoặc cắt hẳn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa sản xuất.

Đây là tình trạng chung của nhiều làng nghề, trong đó suy giảm kinh tế là một trong những nguyên nhân chính. Ngoài ra, còn một nguyên nhân do mẫu mã sản phẩm TCMN còn quá đơn điệu, chủ yếu là gia công theo mẫu có sẵn hoặc nhái mẫu nước ngoài, dẫn đến sự kém hấp dẫn bên cạnh các đối thủ cạnh tranh đang xuất hiện ngày một nhiều như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, thậm chí còn bị thua ngay trên sân nhà.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp nhạy bén đã chuyển hướng từ thị trường xuất khẩu sang thị trường nội địa. Bằng việc đầu tư vào thiết kế mẫu mã mới, độc đáo, tăng cường quảng bá nên đã có những đơn hàng trong nước cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, resort… với giá trị không kém đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, số doanh nghiệp như vậy không nhiều, các làng nghề vẫn đứng trước nguy cơ mai một do khả năng tiêu thụ kém.

Tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường

Xây dựng thương hiệu là một trong những việc làm khó khăn, do các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn bấy lâu nay không có điều kiện quan tâm đến vấn đề này.

Thời gian gần đây, Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ nhiều làng nghề truyền thống như lụa Vạn Phúc, bánh tẻ Phú Nhi, bánh chưng Tranh Khúc, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, Vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ… xây dựng thương hiệu. Từ đó, tạo điều kiện quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường. Việc làm này có ý nghĩa rất lớn, bởi qua đó, nhiều khách hàng đã biết tới sản phẩm của các làng nghề, sức tiêu thụ tăng.

Các làng nghề hiện đang mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ, tập trung phát triển những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn và giá trị kinh tế cao; nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm; khuyến khích lan toả nghề ra các địa phương xung quanh; hỗ trợ xây dựng quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để mở rộng mặt bằng sản xuất… Và việc phát triển các làng nghề sẽ theo phương thức mỗi làng một sản phẩm, phát triển làng nghề theo thế mạnh của địa phương gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới…

Công tác quảng bá sản phẩm cũng được thành phố đặc biệt chú trọng. Trước đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công Thương Hà Nội) cũng đã đưa vào hoạt động phòng trưng bày sản phẩm làng nghề Hà Nội tại số 176 Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội). Đây không chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề, mà còn là nơi trao đổi, giao lưu ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề với khách hàng trong, ngoài nước.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cũng tổ chức hoặc hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành TCMN trong và ngoài nước (Hội chợ Lifestyle TP. HCM, Hội chợ Tokyo Gift show tại Nhật Bản, Hội chợ Mega part show I tại Hồng Kông...). Vào cuối tháng 10 này, Hội chợ hàng TCMN và quà tặng năm 2012 với quy mô 550 gian hàng tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam.

Hội chợ lần này đặc biệt hướng tới mục tiêu xúc tiến thương mại. Mặc dù quy mô còn chưa lớn nhưng với phương châm đề cao yếu tố chất lượng, Hội chợ Hanoi Gift Show 2012 với trên 500 nhà nhập khẩu đến giao dịch, chắc chắn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước. Các doanh nghiệp tham gia được hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng và được tham gia chiến dịch truyền thông, xúc tiến thương mại…

Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công Thương) cho biết: Để quảng bá sâu, rộng hơn nữa về những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của thành phố, trong giai đoạn 2011 - 2015, Trung tâm sẽ chú trọng thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại với nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức 5 hội chợ, triển lãm chuyên ngành TCMN tại Hà Nội; hỗ trợ cho 80 - 100 lượt DN, cơ sở CNNT tham gia các kỳ hội chợ tổ chức trong và ngoài nước; hỗ trợ xây dựng, bảo hộ và phát triển cho 8 thương hiệu làng nghề và tổ chức 5 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp… Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ hỗ trợ kinh phí thuê tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT và thực hiện các chương trình thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông…