Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp trái ngành lại lao vào bất động sản

Theo Zing.vn
Chia sẻ Zalo

Làn sóng đầu tư ngoài ngành vào bất động sản (BĐS) đang trở lại mạnh mẽ khi nhiều doanh nghiệp tuyên bố rót vốn khủng vào thị trường này trong thời gian tới.

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2017 chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp ngoài ngành đưa ra kế hoạch lấn sân sang đầu tư vào BĐS. Thậm chí có nhiều đơn vị lập công ty con với vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng nhắm vào thị trường này.
Chuyển vai từ nhà thầu sang chủ đầu tư

Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có nhiều lợi thế để “lấn sân” sang đầu tư dự án BĐS vì sự kết nối tương đối lớn. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này muốn tận dụng thời điểm phục hồi của thị trường BĐS để tìm kiếm lợi nhuận. Trong mùa ĐHCĐ thường niên 2017, nhiều ông lớn ngành xây dựng công bố kế hoạch lớn và tham vọng trong lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án BĐS lớn.
 Nhiều doanh nghiệp ngoài ngành đang muốn tận dụng quỹ đất lớn để phát triển dự án BĐS tìm kiếm lợi nhuận. Ảnh: Lê Quân.
Mới đây, Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), một doanh nghiệp xây dựng hạ tầng có tiếng ở TP.HCM lên kế hoạch đầu tư vào địa ốc. Trong năm 2017, đơn vị này sẽ thành lập Công ty CP CII Land để đầu tư hai dự án cao cấp tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.
Trong khi đó, một nhà thầu nổi tiếng khác là Công Cổ phần Xây dựng Coteccons cũng đã lập công ty con chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản có tên là Công ty TNHH Convestcons. Theo đó, vốn điều lệ của Convestcons dự kiến khoảng 26 tỷ đồng. Công ty được giao nhiệm vụ thực hiện kinh doanh trong 2 lĩnh vực chính là môi giới bất động sản (bao gồm tư vấn, môi giới, đấu giá BĐS, đấu giá quyền sử dụng đất) và kinh doanh BĐS (bao gồm kinh doanh BĐS, quyền sử dụng đất, thuộc chủ sở hữu hoặc đi thuê).
Ông Vũ Duy Lam, Giám đốc Đầu tư Coteccons, cho biết: “Chúng tôi nhìn nhận rằng không phải năm nào thị trường bất động sản cũng tăng trưởng tốt. Do đó, công ty đang muốn đi trước một bước, tranh thủ lúc thị trường đang còn tốt, dùng nguồn lực đầu tư để có được nguồn thu lâu dài, ổn định”.
Cũng tuyên bố tại ĐHCĐ 2017, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Công ty CP Tasco cho biết định hướng phát triển trong 5 năm tới của doanh nghiệp tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư bất động sản; đầu tư y tế và công nghệ.
Về bất động sản, ông Dũng cho biết sẽ lấy năng lực lõi là chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để phát triển bất động sản theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Hiện công ty thực hiện dự án nhà ở Bộ Ngoại giao 48 Trần Duy Hưng, trị giá trên 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Dũng, Tasco tập trung chiến lược mua lại đất, làm nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp để đầu tư, tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản ở Hà Nội và các thành phố lớn. Công ty định vị lợi nhuận ở mức 25-30%.
“Chúng tôi làm xong là bán chứ không kỳ vọng lớn quá. Vừa qua nhiều nhà đầu tư lao đao, bản thân Tasco rất khó khăn nên chúng tôi rút kinh nghiệm, bán được là bán, không tích tụ, không ôm hàng”, ông Dũng chia sẻ.
Không chỉ Tasco, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) cũng thông báo sẽ chuyển hướng sang đầu tư bất động sản.
Tại ĐHCĐ tổ chức ngày 22/4, Cienco 4 công bố giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau (Nghệ An). Đơn vị này cũng thành lập Công ty cổ phần Green Tea Islands và ủy thác cho Green Tea Islands thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án này.
Cơn say địa ốc lan rộng

Việc các công ty xây dựng lấn sân sang địa ốc là chuyện tận dụng lợi thế của chính mình để nắm cơ hội thị trường. Tuy nhiên, trong đà phục hồi lần này đã bắt đầu xuất hiện những cái tên trái ngành hoàn toàn như nông nghiệp, vận tải, điện tử... tham gia vào cuộc chơi.
Đơn cử như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn công bố, sẽ rót 250 tỷ đồng vào dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ 20 tầng ở quận Tân Bình (TP.HCM).
Trong khi đó, tại ĐHCĐ của CP Thủy sản Hùng Vương, lãnh đạo công ty này khẳng định đang sở hữu một quỹ đất khoảng 10ha đất ở KCN Tân Tạo dự kiến xây nhà kho sản xuất. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại có thể quỹ đất này được tận dụng làm dự án BĐS.
Trong khi đó, dự án tại quận 6 sẽ không bán cho đối tác dù được trả giá 550 tỷ mà dự kiến sẽ rót vốn đầu tư dự án trung tâm thương mại - căn hộ cao cấp để gia tăng giá trị tài sản.
Một doanh nghiệp chuyên sản xuất giày dép như Bitis cũng tiết lộ thông tin về việc đầu tư căn hộ để tận dụng quỹ đất lớn của mình ở khu Tây TP.HCM. Dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. Theo chia sẻ của lãnh đạo Bitis, hãng đầu tư bằng vốn sẵn có, không phụ thuộc quá nhiều vào việc đi vay.
Một bất ngờ khác, Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017, trong đó nhắm vào chiến lược đầu tư và khai thác một số dự án khách sạn. Hiện Tracodi đã thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp và văn phòng (Tòa nhà Bamboo Prince Court) tại số 89 Cách mạng Tháng 8, Quận 1, TP.HCM. Diện tích dự án dự kiến là 2.328 m2, tổng mức đầu tư dự kiến 850 tỷ đồng.
Theo Tracodi, do tài chính dự án quá lớn so với năng lực của công ty nên để tránh rủi ro, lãnh đạo doanh nghiệp trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT cân nhắc, lựa chọn đối tác hợp tác có năng lực tài chính và kinh nghiệm khai thác bất động sản cùng góp vốn xây dựng tòa nhà này. Dự kiến dự án này sẽ được khởi công vào cuối năm 2017 hoặc trong năm 2018, tùy vào tình hình tài chính công ty.
Trong khi các doanh nghiệp đồng hương như Hoàng Anh Gia Lai và Quốc Cường Gia Lai đang điêu đứng với BĐS thì công ty CP Đức Long Gia Lai lại bổ sung BĐS vào chiến lược tái cấu trúc. Trong năm 2017, doanh nghiệp này sẽ triển khai một số dự án căn hộ cao cấp tại tỉnh Gia Lai và TP.HCM. Tuy nhiên thế mạnh của Đức Long Gia Lai lại là lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử.
Sau đợt sóng đầu tư ngoài ngành vào BĐS trong những năm cuối thập niên trước, đến nay lại tiếp tục xuất hiện đợt sóng mới tràn vào thị trường này.