Như vậy, chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa, khi mức thuế xuất nhập khẩu với hàng loạt mặt hàng giảm xuống 0%, hàng hóa các nước ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam ảnh hưởng đến phần lớn doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước. Trước tình hình này, vẫn còn có không ít DN tỏ ra vô tư, thậm chí bàng quan.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, đây là lộ trình cắt giảm thuế mà Việt Nam đã cam kết. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, theo lộ trình này, một số mặt hàng nhạy cảm như nông sản chưa được tính đến cắt giảm thuế, chứ không phải không được tính đến.
Ảnh minh hoa.
|
“Như vậy có nghĩa là, chỉ còn thời gian ngắn nữa, Việt Nam cũng sẽ phải cắt giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu. Vì vậy, các DN trong ngành cần phải tận dụng thời gian để tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp nhằm có sức cạnh tranh tốt”, ông Mười nói và cho biết thêm, khi thuế suất về 0% có nghĩa DN sẽ phải cạnh tranh bằng thực lực. Do đó, DN cần tận dụng thời gian này để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông Mười thẳng thắn thừa nhận, ngay bản thân Vissan, dù đã được trang bị đầy đủ công nghệ chế biến thực phẩm hiện đại đủ sức để cạnh tranh, song một mình Vissan sẽ không thể độc lập chuẩn bị để đối phó với áp lực cạnh tranh này được, bởi nếu giá thành nguyên liệu đầu vào quá cao, thì khó có sản phẩm đầu ra có giá cạnh tranh. Do đó, cần phải có sự vào cuộc của cả ngành nông nghiệp. Đối với lĩnh vực bán lẻ điện máy, vốn cũng được xem là “dễ bị tổn thương”, ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc Marketing Hệ thống Điện máy Thiên Hòa cho biết, ông đã biết thông tin sẽ giảm thuế như nêu trên, song lại chưa nắm được chi tiết, nên không biết mức giảm thuế cụ thể đối với mặt hàng điện máy là bao nhiêu. Để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh, Thiên Hòa đang tập trung vào 3 vấn đề: đầu tư hạ tầng; đầu tư chính sách dịch vụ, chế độ bảo hành, bảo trì và tập trung đào tạo đội ngũ.
Ngành gỗ, mỹ nghệ được đánh giá là ngành có tỷ lệ tiêu thụ nội địa khá cao, song ông Đặng Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thủ công Mỹ nghệ Kim Bôi cho biết, bản thân ông cũng chưa nghe thông tin về lộ trình cắt giảm thuế ATIGA. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, ngành gỗ mỹ nghệ sẽ không ảnh hưởng lớn từ việc cắt giảm thuế. Bởi lẽ Việt Nam là nước xuất khẩu đồ gỗ lớn (năm 2013 xuất khẩu đạt 5,6 tỷ USD), mà khi đã xuất khẩu được ở quốc tế, thì việc phải cạnh tranh ở nội địa là không đáng lo.
Trao đổi với phóng viên về việc đã cung cấp thông tin lộ trình cắt giảm thuế ATIGA đến cộng đồng DN cũng như có khuyến nghị gì đối với DN hay không, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, việc thông tin về cắt giảm thuế ATIGA không thuộc chức năng của Cục Thuế Thành phố, mà thuộc chức năng của cơ quan hải quan, vì đây là thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với Cục Hải quan TP.HCM thì vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Được biết, theo lộ trình giảm thuế ASEAN, ngoài 1.720 dòng thuế cắt giảm còn 0% từ ngày 1/1/2015, số còn lại gồm 687 dòng thuế, chủ yếu là những mặt hàng nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, gồm ô tô xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng (như tủ lạnh, máy điều hòa), sữa và các sản phẩm sữa... sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018.