Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp tư nhân vẫn “cô đơn”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015 diễn ra sáng nay (1/12).

Chủ đề của diễn đàn năm nay xoay quanh vấn đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”. Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh.

 
Toàn cảnh diễn đàn
Toàn cảnh diễn đàn
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam để nền kinh tế phát triển mạnh, Việt Nam cần một lực lượng doanh nghiệp đủ lớn và có sức cạnh tranh. Song có một thực tế phải thừa nhận là khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam còn yếu kém, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn “cô đơn”. Yếu kém của khối doanh nghiệp tư nhân xuất phát từ yếu kém về công nghệ, quản trị và nguồn nhân lực. Hội nhập có thể mang đến sự đổi mới về công nghệ, nhưng quản trị và nguồn nhân lực sẽ phụ thuộc vào bản thân mỗi doanh nghiệp.

Theo ông Lộc, doanh nghiệp tốn khá nhiều thời gian và chi phí cho công tác kiểm tra chuyên ngành. Điều này là bước cản lớn cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng to bị kiểm tra càng nhiều.

Đưa ra kiến nghị để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng cần giảm lãi suất, nâng cao hiệu quả của hệ thống ngân hàng thương mại. Để việc chất lượng doanh nghiệp mới thành lập được nâng cao cần có chính sách khởi nghiệp cho doanh nghiệp, xây dựng mô hình các vườn ươm doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Shimon Tokuyama, Phòng thương mại công nghiệp Nhật Bản, đưa ra kiến nghị, “mong Chính phủ xem xét một cách tích cực về việc nới lỏng quy định liên quan tới hạn chế tỷ lệ góp vốn vào công ty niêm yết, công ty đại chúng và doanh nghiệp nhà nước. Đứng từ quan điểm đa dạng hóa hình thức đầu tư, cộng đồng các nhà đầu tư Nhật Bản mong rằng điều kiện thành lập công ty sở hữu vốn nước ngoài sẽ được làm rõ và thủ tục sẽ được đơn giản hóa.”

Về các luật thuế liên quan tới ngành công nghiệp ô tô, sau khi hàng rào thuế quan trong khu vực ASEAN cho ngành công nghiệp ô tô sẽ được gỡ bỏ vào năm 2018, “chúng tôi mong rằng các chính sách ưu đãi đối với sản xuất trong nước, mà chủ yếu là hỗ trợ về tài chính sẽ được quy định rõ để doanh nghiệp ô tô có thể tiếp tục sản xuất tại Việt Nam” – ông Shimon nói.

Ông Shimon cho rằng: “Chúng tôi được biết, hiện nay Chính phủ đang xem xét về việc giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt (SCT) đối với dòng xe dung tích nhỏ, và xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô. Tuy nhiên, chính sách này có thể sẽ không dẫn tới thúc đẩy sản xuất trong nước do việc giảm mạnh SCT liên quan tới cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Ngoài ra, việc bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách về chi phí giữa ô tô nhập khẩu và sản xuất trong nước (khoảng 20%), hiện vẫn chưa được nhận thức rõ. Đã có một vài tính toán chỉ ra rằng: So với bán xe nhập khẩu đơn thuần, việc sản xuất ô tô trong nước có hiệu quả tích cực hơn gấp 3 lần đối với GDP và 10 lần đối với việc làm cho người lao động. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong Chính phủ Việt Nam hiểu rõ rằng: Với tính chất của ngành nghề, nếu doanh nghiệp ô tô không sản xuất một cách liên tục thì ngành công nghiệp phụ trợ – bao gồm cả ngành sản xuất llinh kiện ô tô – theo đó sẽ không phát triển.”

Ông Shimon thẳng thắn” “Năm 2018 đang tới gần với tiền đề tuân thủ cam kết WTO, chúng tôi mong rằng Chính phủ sẽ sớm nghiên cứu về việc áp dụng những chính sách hiệu quả, chẳng hạn như “một vài cơ chế trợ cấp đối với nhà sản xuất trong nước.”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, diễn đàn lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam đang hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015. Đây cũng là giai đoạn Việt Nam tiến hành cải cách mạnh mẽ, tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm.

Môi trường kinh doanh còn nhiều yếu kém, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và còn nhiều việc phải làm, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới.