Rào cản do thiếu vốn Theo ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex): “Để tham gia sâu vào nền kinh tế toàn cầu, vốn là vấn đề quan trọng bởi hội nhập đặt ra rất nhiều yêu cầu khắt khe nếu DN không có vốn để đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất quy mô lớn thì sẽ không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đặc biệt với ngành chăn nuôi, tình trạng phát triển chăn nuôi tràn lan ảnh hưởng tới môi trường. DN nông nghiệp luôn bị động và thua lỗ nên rủi ro cao khiến ngân hàng rất e ngại khi cho vay”. Thực tế này cũng được chính đại diện ngân hàng thừa nhận, ông Phạm Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Khách hàng DN Thăng Long, Ngân hàng VP bank cho biết: “Hiện chỉ có 30% DN nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn qua kênh ngân hàng. Nguyên nhân chính là do DN nhỏ và vừa Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức, không đủ tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính không minh bạch đầy đủ”. Trước những phân tích của ông Phạm Ngọc Anh, đại diện một DN làng nghề ở Hà Đông cho rằng, với DN nhỏ và vừa mà ngân hàng luôn đặt ra yêu cầu phải có tài sản đảm bảo trong khi mặt bằng sản xuất đều là đi thuê thì rất khó để DN vay được vốn. Nên chăng các ngân hàng cần đa dạng các sản phẩm tín dụng cho DN nhỏ và vừa tiếp cận như vay tín chấp, các chương trình ưu đãi… Ông Đoàn Trọng Lý tự tin cho biết, khi có vốn, có giải pháp tài chính đảm bảo thì các DN đặc biệt là DN nông nghiệp sẽ tự tin tham gia vào chuỗi giá trị. Ai xây dựng chuỗi liên kết? Tự thân mỗi DN nhỏ sẽ không thể hình thành nên chuỗi cung ứng mà cần có bàn tay hỗ trợ từ Nhà nước để ghép nối các mắt xích từ sản xuất, chế biến, đến phân phối, tiêu thụ. “Cần có chuỗi để hỗ trợ tất cả các khâu để ai ở trong chuỗi cũng được hưởng lợi, có như vậy, người nông dân và ngân hàng cho vay mới thấy yên tâm” – ông Lý nói. Những năm qua, Chính phủ rất tâm huyết để cải thiện vấn đề này, cũng đã có chủ trương chính sách phát triển chuỗi cung ứng, nhưng “đường xa nhất là từ lời nói tới hành động, chúng ta nói quá nhiều nhưng không đầu tư, chỉ khuyến khích sản xuất mà không bàn sâu đến tiêu thụ thì sẽ không thể có chuỗi hoàn chỉnh”. Tình trạng “được mùa mất giá” vì thế cứ tái diễn năm này qua năm khác. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hải Thanh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hapro nhất trí kiến nghị Nhà nước cần có chính sách phù hợp hỗ trợ việc kết nối giữa nhà sản xuất và phân phối để người tiêu dùng có được mức giá cả tốt nhất. Bên cạnh đó, mỗi địa phương, mỗi vùng miền đều có hoa quả, nông sản đặc trưng, trách nhiệm của địa phương là cần quan tâm đầu tư xây dựng hình ảnh, thương hiệu riêng cho hàng hóa, nông sản của quê hương mình như: bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, vải Thanh Hà, nho Ninh Thuận… để gia tăng giá trị cho nông sản, tạo cơ sở để DN và người sản xuất tự tin tham gia mạnh mẽ và hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.