Đan lưới từ thuở lên 5
Không khó để tìm về làng Trần Phú, bởi chỉ cần chạy xe dọc QL1, cách làng Trần Phú chừng 2km, người ta đã có thể bắt gặp hàng loạt cửa hàng bày bán la liệt đủ các loại ngư cụ phục vụ đánh bắt thủy, hải sản. Khi chúng tôi tới thăm, chị Vũ Thị Mai (thôn Trần Phú) đang ngồi quây quần đan lưới cùng mấy chị em gái. Chị Mai cho hay, người làng Trần Phú từ già tới trẻ, phụ nữ hay đàn ông đều biết đan lưới. Nhiều em nhỏ từ khi mới lên 4 – 5 tuổi đã được các bà, các mẹ cho ngồi xem, rồi chỉ dạy cách đan những tấm lưới đơn giản. Trong làng, hầu như gia đình nào cũng có người làm nghề này.
Chị Nguyễn Thị Hải, người cùng làng Trần Phú cho biết thêm, ngày còn bé, mấy chị em trong nhà thường ngồi xem các bà, các mẹ đan lưới, cước, rồi tự nhiên “ngấm” vào người lúc nào không hay. Lên 5 tuổi, chị đã có thể cặp chì, xâu mắt lưới, đan phao. Đến năm 10 tuổi, chị bắt tay vào đan những tấm lưới nhỏ để đánh bắt cá trong ao, ngòi…
Theo chị Mai, những người đi đan lưới thuê như chị được trả khoảng 10.000 đồng cho mỗi 25m lưới (loại đơn giản). Với các lưới thắt chết, lưới phao quả, lưới tép (kiểu dáng phức tạp hơn), tiền công cho mỗi 25m lưới khoảng 15.000 đồng. Mỗi ngày, một người đan lưới có thể hoàn thành được từ 150 – 200m lưới, thu nhập khoảng 100.000 đồng. Dù thu nhập không cao, nhưng có lợi thế là tận dụng được thời gian khi nông nhàn nên nghề đan lưới cước vẫn được người dân nơi đây duy trì và phát triển.
Tiến tới chuyên nghiệp hóa
Theo một số cụ ông, cụ bà nhiều năm gắn bó với nghề đan lưới cước, những năm 1982 - 1983, khi nghề đan lưới vẫn được thực hiện hoàn toàn thủ công thì để đan được một tấm lưới mất rất nhiều công đoạn và thời gian. Thời điểm bước ngoặt của nghề đan lưới cước Trần Phú là vào khoảng năm 1996, khi một số hộ mạnh dạn vay vốn, đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để mua sắm máy móc phục vụ gia công. Các công đoạn thủ công từ đó cũng giảm đi nhiều.
Gia đình anh Nguyễn Như Thương là một trong những hộ đi đầu trong việc đầu tư máy móc để sản xuất lưới cước. Hiện, mỗi ngày gia đình anh sản xuất hàng chục tấn lưới cước, chủ yếu là lưới bát quái. Ngoài làm giàu cho bản thân, xưởng sản xuất của gia đình anh Thương còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 nhân công, với thu nhập trung bình khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, hàng trăm người dân trong, ngoài thôn cũng được gia đình anh thuê khoán để thực hiện các công đoạn xâu lưới, đan phao…
Ông Phạm Nguyên Tâu, người đã có gần 50 năm theo nghề đan lưới cước cho hay, trước nhu cầu đa dạng của người sử dụng, ngoài lưới đánh bắt cá, người làng Trần Phú hiện còn sản xuất các sản phẩm khác phục vụ bẫy chim, bảo vệ rau màu, che chắn công trình xây dựng… Lưới cước làng Trần Phú rất bền đẹp, đặc biệt là rất “nhạy cá”, nên được những người làm nghề chài lưới rất ưa chuộng.
Trưởng thôn Trần Phú Đinh Văn Ngông cho biết thêm, cả làng hiện có gần 800 hộ thì trên 90% gia đình có người làm nghề đan lưới cước. Điều đáng nói, ngày càng có nhiều hộ mạnh dạn trong việc đầu tư máy móc thay thế dần các công đoạn thủ công. Bên cạnh năng suất lao động tăng, sản phẩm cung ứng cho thị trường cũng ngày một đa dạng hơn. Toàn thôn hiện đã có 10 hộ đầu tư xưởng sản xuất lớn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Nghề đan lưới cước giúp nâng cao thu nhập cho người dân làng Trần Phú.
|
Năm 2012, làng nghề đan lưới cước Trần Phú đã vinh dự được UBND TP Hà Nội công nhận là “làng nghề truyền thống”. |