Dốc lòng vì sức khỏe động vật hoang dã

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khí hậu diễn biến bất thường như hiện nay, nghề cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) vốn đã nhọc nhằn lại thêm phần gian nan.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực và trách nhiệm cao nhất, cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội luôn làm tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị bệnh cho các loài ĐVHD.
Chú trọng duy trì tập tính loài
Với mục tiêu phục hồi sức khỏe, phân loại để cứu hộ, nuôi dưỡng và bảo đảm ĐVHD sinh trưởng tốt, mỗi cán bộ, nhân viên của Trung tâm trước hết phải hiểu được tập tính của từng loài. Đáng nói, những loài ĐVHD chỉ quen sống trong rừng với môi trường tự nhiên, nếu bị nhốt trong tường kín sẽ rất khó thích nghi.
Việc nắm bắt tập tính, môi trường sống đặc thù của từng loài ĐVHD đóng vai trò quan trọng khi xây dựng phương pháp chăm sóc, nuôi nhốt sao cho gần gũi với thiên nhiên. Hàng ngày, nhân viên Trung tâm đều phải vệ sinh chuồng trại, kiểm tra sức khỏe, cung cấp thức ăn đầy đủ theo nhu cầu của từng loài.
 Khám chữa bệnh cho cá thể gấu tại Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc
Chị Trịnh Thị Thu Hằng, bác sĩ chăn nuôi – thú y chia sẻ: "ĐVHD có tập tính rất đặc thù nên việc chăm sóc chúng trong môi trường nuôi nhốt càng cần được chú trọng để bảo đảm sức khỏe và duy trì tập tính của từng loài. Đối với những loài động vật đã nuôi nhốt nhiều năm, công tác chăm sóc đã cầu kỳ, vất vả thì đối với các loại động vật là tang vật của các vụ án buôn bán trái phép được cơ quan chức năng thu hồi, đưa về Trung tâm tạm thời tiếp nhận thì nhân viên chăm sóc còn phải vất vả hơn nhiều".
Mỗi loài có cách chăm sóc riêng, không loài nào giống loài nào, thậm chí, có con phải cho uống sữa vì hệ tiêu hóa còn non nớt, chưa thể ăn lá cây hoặc các loại thức ăn khác. Theo chị Hằng, ngoài chế độ dinh dưỡng được tính toán tỉ mỉ, việc vệ sinh và chăm sóc sức khỏe cho ĐVHD trong Trung tâm cũng được đặt ra chặt chẽ, đơn cử như thức ăn, nước uống phải thật sạch, động vật được tắm rửa thường xuyên.
Túc trực ngày đêm trị bệnh cho động vật
Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, trung tâm đặc biệt quan tâm chống nóng cho ĐVHD nuôi nhốt như: Che phủ mái chuồng bằng lưới đen chống nắng, lắp đặt hệ thống phun sương, tạo độ ẩm, làm mát không khí chuồng nuôi. Đặc biệt, Trung tâm xây dựng riêng một phòng điều trị, hồi sức có lắp đặt điều hòa để phục vụ ĐVHD.
Thời điểm này, phòng đang kín chỗ bởi hồi sức cho 61 cá thể Rùa mà Trung tâm mới tiếp nhận, cứu hộ từ tỉnh Quảng Ninh. Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng cho hay, sở dĩ phải ưu tiên cho loài này vì Rùa rất mẫn cảm với thời tiết, nhiệt độ trên 300C chúng sẽ chết. Đó là chưa kể, những đợt nắng nóng kéo dài khiến nhiều loài bị mắc các bệnh viêm phổi, viêm đường tiêu hóa, tiêu chảy là điều không tránh khỏi. Anh em trong Trung tâm phân công nhau túc trực ngày đêm hầu như không được nghỉ ngơi.
Theo ông Hồng, với khối lượng công việc lớn, số lượng ĐVHD được tiếp nhận, cứu hộ luôn trong tình trạng quá tải so với điều kiện cơ sở hạ tầng của Trung tâm, song không vì thế mà anh em ngại khó, ngại khổ mà luôn đoàn kết, động viên nhau cố gắng hết mình. Chẳng vậy mà đã thành nếp làm việc, đơn vị luôn nêu cao trách nhiệm trong việc duy trì nghiêm túc công tác vệ sinh, phòng dịch, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đàn ĐVHD đang cứu hộ, bảo tồn.
Mỗi cán bộ, nhân viên đều tự ý thức thực hiện nghiêm túc các khâu, như: Thả, chuyển giao, cung cấp ĐVHD các thế hệ sau (F2). Với đặc thù khí hậu bất thường, sự khác biệt giữa các vùng miền, nhiều loài ĐVHD xuất xứ từ nước ngoài rất khó nuôi dưỡng. Vì thế, việc thực hiện các quy định, nguyên tắc trong chăm sóc, thuần dưỡng các loài động vật được Trung tâm thực hiện nghiêm ngặt nhằm bảo đảm cho cá thể sinh trưởng, phát triển cũng như bảo đảm sự an toàn cho nhân viên.

Thời điểm này, số lượng cá thể ĐVHD được Trung tâm tiếp nhận, cứu hộ tăng mạnh tới 60% so với cùng kỳ năm trước, có cá thể tăng đến 85%. Chỉ tính riêng trong 2 tuần (từ 1 – 15/6), Trung tâm đã tiếp nhận, cứu hộ 122 cá thể rùa, 3 cá thể tê tê và hàng chục cá thể chim, rái cá.