Đa dạng nguồn vốn Như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, thời gian qua, vấn đề nợ đọng XDCB trở thành một trong những mối lo của nhiều địa phương trên hành trình về đích NTM. Đằng sau những công trình hạ tầng cơ sở khang trang là món nợ lớn phải giải quyết khiến cho khá nhiều xã, huyện phải “đau đầu” tìm cách tháo gỡ. Tại huyện Thường Tín, cho đến thời điểm giữa tháng 7/2016, toàn huyện có 53 công trình nợ đọng XDCB với tổng số tiền hơn 17,2 tỷ đồng. Ông Kiều Xuân Huy – Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, để xử lý món nợ này, hiện nay, huyện đang kiên quyết chỉ đạo các xã tập trung vào công tác thu ngân sách, tiết kiệm chi để bố trí vốn cho trả nợ XDCB. Đồng thời rà soát, bố trí nguồn vốn các dự án trọng tâm, trọng điểm để xây dựng NTM.
Tương tự, tại huyện Mê Linh, tính đến thời điểm này, toàn huyện có 18 dự án đường giao thông, thủy lợi nội đồng nợ XDCB với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Đây là số nợ phát sinh trong năm 2016 do các xã tiếp tục đầu tư xây dựng công trình nhưng chưa bố trí được nguồn kinh phí. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, huyện tập trung huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất, đặc biệt là các dự án đấu giá đất đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và đất xen kẹt không phải GPMB để tạo nguồn xây dựng NTM. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, tổng kinh phí nợ đọng XDCB thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM toàn TP lũy kế đến 31/1/2016 là trên 547 tỷ đồng, chủ yếu thuộc ngân sách cấp huyện, xã khi triển khai xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng và giao thông nông thôn. Để xử lý nợ đọng XDCB, hiện nay, các địa phương nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đa dạng hóa huy động nguồn lực phục vụ xây dựng NTM. Không để phát sinh nợ mới Cùng với xử lý nợ đọng XDCB, trước chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP, các địa phương đang tích cực áp dụng cách làm tiết kiệm trong xây dựng NTM, nhất là làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi nội đồng. Đơn cử như tại huyện Mê Linh, mỗi kilômét kênh mương hoặc đường giao thông xã hội hóa sẽ tiết kiệm được khoảng 250 triệu đồng so với đơn giá Nhà nước. Dự kiến, việc thực hiện 84km đường giao thông và kênh mương trong 6 tháng cuối năm nay của huyện sẽ giảm được chi phí từ ngân sách Nhà nước 21 tỷ đồng. Bà Hoàng Thị Huyền – Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội cho biết, cùng với sự vận động của xã hội và nền kinh tế, yêu cầu của tiêu chí NTM cũng ngày càng cao hơn. Điều đó được thể hiện trong Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí huyện NTM. Cũng theo yêu cầu mới, việc có hay không nợ đọng XDCB trở thành một trong những yếu tố quan trọng để xem xét địa phương đạt chuẩn NTM. Do vậy, muốn hoàn thành NTM, các địa phương cần quyết liệt giải quyết nợ đọng XDCB và không để phát sinh nợ mới. Đặc biệt, nguyên nhân cơ bản dẫn tới nợ XDCB nhiều như thời gian qua xuất phát từ chính sách hỗ trợ của TP theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 16/7/2012 ban hành Quy định thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012 - 2016. Theo đó, TP hỗ trợ sau đầu tư 80% đối với kinh phí mua vật liệu xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông, thủy lợi nội đồng. Do vậy, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP đã đề xuất thay đổi hình thức hỗ trợ theo kế hoạch được duyệt, thay vì hỗ trợ sau đầu tư, góp phần hạn chế phát sinh nợ đọng XDCB. Ngoài ra, liên quan tới giải quyết nợ XDCB, Sở KH&ĐT đề nghị, đối với các dự án kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng, các huyện, thị xã phải thanh toán xong nợ mới được triển khai dự án tiếp theo. Đối với những công trình trong diện xác định phải làm cũng phải rà soát, lựa chọn hình thức, quy mô, kết cấu, biện pháp thi công và phân kỳ đầu tư hợp lý. Qua đó tiết kiệm và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực của địa phương sau khi giải quyết xong nợ XDCB thuộc ngân sách.
Xây dựng trường học tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Quang Thiện |