Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đôi bên cùng có lợi khi làm phim với nước ngoài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hợp tác làm phim giữa các nước ngày càng mở rộng, Hội thảo “Hợp tác sản xuất phim giữa Việt Nam và các nước” trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội diễn ra chiều 24/11 gợi mở những hướng đi và nhiều dự án hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và nước ngoài trong thời gian tới.

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hợp tác làm phim giữa các nước ngày càng mở rộng, Hội thảo “Hợp tác sản xuất phim giữa Việt Nam và các nước” trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội diễn ra chiều 24/11 gợi mở những hướng đi và nhiều dự án hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và nước ngoài trong thời gian tới.
Việt Nam là đối tác tin cậy    
 Thực tế cho thấy, hợp tác làm phim giữa Việt Nam và nước ngoài những năm qua đã có nhiều khả quan. Trong đó phải kể đến 3 dự án phim “khủng” những năm 90 của thế kỷ trước là: “Đông Dương”, “Điện Biên Phủ”, “Người tình”, và mới đây nhất là “Đập cánh giữa không trung”… Thành công của những tác phẩm này được thể hiện qua các giải thưởng danh giá tại các kỳ LHP là tiền đề cho các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam làm hoặc hợp tác làm phim.
 
Một cảnh trong phim ''Đập cánh giữa không trung''.
Một cảnh trong phim ''Đập cánh giữa không trung''.
 
Đạo diễn Đặng Tất Bình – nguyên Giám đốc Công ty CP Phim truyện 1 cho biết: “Tôi đã hỗ trợ Hàn Quốc làm khá nhiều phim truyền hình và nhiều bộ phim, trong số đó nhận được nhiều giải. Các diễn viên Việt Nam tham gia đóng phim Hàn Quốc như NSND Quốc Trị đã được sang nước này nhận giải Nam diễn viên xuất sắc nhất. Điều đó cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có khả năng cung cấp dịch vụ và là đối tác tin cậy của các nhà làm phim nước ngoài”.Và trong hầu hết các dự án làm phim giữa Việt Nam với nước ngoài, cả hai phía đều có lợi. Như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: “Khi hợp tác làm phim với nước ngoài, trình độ, kỹ thuật, tính chuyên nghiệp trong sản xuất phim của họ rất đáng cho chúng ta học hỏi, noi theo. Họ rất kỹ càng, chỉn chu ngay từ khâu viết kịch bản. Trong quá trình thực hiện, mỗi cá nhân, mỗi bộ phận rất quyết liệt và có ý thức để hiện thực hóa ý tưởng một cách tốt nhất. Đặc biệt, chúng tôi được cập nhật những xu hướng làm phim, trang thiết bị làm phim mới”.

Trong khi đó, ông Thierry Lenouvel – nhà sản xuất phim “Đập cánh giữa không trung” cho biết: “Tôi tiếp cận với đề cương phim từ trại sáng tác trong LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2 và cùng với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thực hiện từ đó. Tôi thấy, đội ngũ làm phim của Việt Nam rất trẻ, năng động, nhiều đạo diễn trẻ có tài. Cảnh quan của Việt Nam đẹp, phong phú, đa dạng về địa hình, khí hậu. Nhiều vấn đề, câu chuyện của người Việt các nhà làm phim nước ngoài có thể khai thác. Chi phí ăn ở, đi lại, tiền công diễn viên… cũng tương đối rẻ. Do vậy, dù kinh phí hạn hẹp nhưng “Đập cánh giữa không trung” đã đạt được những thành công nhất định. Ở Pháp, có một quỹ thúc đẩy hợp tác làm phim nghệ thuật dành cho các dự án tiềm năng để tài trợ. Tôi hy vọng, tôi sẽ tìm được nhiều dự án mới tại LHP năm nay”.

Hiểu nhau để cùng hợp tác 

“Không một nền điện ảnh nào có thể phát triển nếu đóng khung, không hợp tác với nước ngoài” - đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định. Chính vì thế, hợp tác sản xuất phim là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để có những dự án hợp tác thành công cần sự nỗ lực từ hai phía.

Ông Mauriat – nhà sản xuất phim “Bầu trời đỏ”, dự kiến quay tại Việt Nam trong thời gian tới cho hay: “Hiện, kịch bản đã được Cục Điện ảnh duyệt. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn là tại sao 20 năm qua chưa có bộ phim Pháp nào được thực hiện tại Việt Nam. Một số phim nói về Việt Nam nhưng lại quay ở Thái Lan hoặc Campuchia. Khi muốn quay phim tại Việt Nam, chúng tôi không biết phải tìm đến đâu để nhờ hỗ trợ làm các thủ tục xuất nhập cảnh, hướng dẫn địa điểm quay, nhà hàng, khách sạn, đi lại, ăn uống… Trong khi ở Pháp và nhiều nước khác có hẳn một Hội đồng phục vụ các đoàn làm phim muốn quay tại nước họ”. Vì thế, ông Mauriat đề xuất: “Việt Nam cần có một tổ chức phục vụ các đoàn làm phim nước ngoài và có những ưu đãi về chi phí để thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến quay phim, làm phim và đầu tư cho điện ảnh Việt Nam”.

Về những thắc mắc của ông Mauriat, đạo diễn Đặng Tất Bình phân trần: “Thứ nhất, sau trào lưu phim Pháp những năm 90 của thế kỷ trước, không có phim nào của điện ảnh Pháp làm tại Việt Nam là không đúng. Vì riêng tôi đã giúp đạo diễn Trần Anh Hùng thực hiện phim “Chim di trú”, rồi “Công binh” của đạo diễn Lê Lâm.

Thứ hai, có một số phim nói về Việt Nam nhưng không quay ở Việt Nam vì không đáp ứng được Luật Điện ảnh, thuần phong mỹ tục của người Việt. Như seris phim “Điệp viên 007”, nhà làm phim muốn dùng thuốc nổ cải tạo một số đảo ở Vịnh Hạ Long để làm bối cảnh, chúng tôi không đồng ý việc này nên phải sang Thái Lan quay. Thứ 3, về thủ tục, các hãng phim của Việt Nam sẵn sàng lo cho đoàn làm phim tất cả các thủ tục, giấy tờ, địa điểm quay, khách sạn… nếu được ông tin tưởng giao phó”.

Và như đạo diễn Việt kiều Lê Lâm phân tích, sở dĩ việc hợp tác làm phim giữa các đơn vị thuộc hai nước khác nhau còn những rào cản là do hai phía chưa hiểu hết tâm lý, cách làm của nhau. Theo kinh nghiệm của vị đạo diễn này, một nhà làm phim dù muốn quay ở bất kỳ quốc gia nào cũng cần có một cố vấn hiểu tâm lý người bản địa. Có như vậy, mọi việc mới diễn ra suôn sẻ.