Dồi dào nguồn cung thực phẩm Tết

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết đang đến rất gần nên ngay từ bây giờ, việc chuẩn bị nguồn thực phẩm đang được tích cực triển khai.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết năm nay khá dồi dào và ổn định về giá cả.
Nguồn cung lớn
Giống như mọi năm, trước tình hình nhu cầu lương thực, thực phẩm cho dịp Tết tăng đột biến, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tốt sản xuất để đảm bảo nguồn cung đáp ứng cho thị trường. Thống kê của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), dự kiến tổng sản lượng lúa của cả nước trong năm nay đạt khoảng 44,207 triệu tấn, trong đó lượng tiêu dùng nội địa khoảng hơn 28 triệu tấn. Hiện tồn kho gạo của các DN cũng còn một lượng đáng kể, do đó nguồn cung mặt hàng này hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Về rau xanh, dù ở miền Trung và Tây Nguyên có xảy ra mưa lũ, song tại miền Bắc, tình hình thời tiết những tháng cuối năm khá thuận lợi cho trồng rau. Dự kiến sản lượng rau năm nay đạt 15,75 triệu tấn, tăng 5% so với 2015.

Người tiêu dùng mua thực phẩm an toàn tại số 35 Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Quang Thiện

Đối với thực phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi, năm nay được đánh giá là năm tương đối thắng lợi của ngành chăn nuôi khi duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, 9 tháng đầu năm ngành chăn nuôi đã tăng trưởng 5,95%. Trong 3 tháng cuối năm, ngành chăn nuôi bước vào dịp cao điểm cung cấp cho thị trường Tết nên dự kiến tăng trưởng cả năm 2016 đạt trên 6%. Ông Dương cho biết, bình quân, mỗi tháng, ngành chăn nuôi cung cấp ra thị trường gần 400.000 tấn thịt các loại, vào thời điểm Tết tăng thêm 30%. Do đó, lượng thực phẩm cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu là khá dồi dào. Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, tổng đàn bò, lợn, gia cầm đều tăng từ 2,4 – 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Hà Nội, công tác chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết cũng được các địa phương tập trung quan tâm. Đơn cử như huyện Phúc Thọ có kế hoạch chuẩn bị gần 3.000 tấn gạo, hơn 7.200 tấn thịt, gần 5.000 tấn rau củ quả các loại và 4,8 triệu quả trứng gà, vịt cung cấp cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, ngoài chuẩn bị nguồn cung thực phẩm tại chỗ, Sở đã có công văn giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội triển khai các hoạt động kết nối đưa nông sản thực phẩm an toàn từ các tỉnh, TP về cung cấp cho thị trường Thủ đô trong dịp Tết, đảm bảo đủ nguồn cung.
Kiểm soát chặt chất lượng
Thông thường vào dịp cuối năm, khi nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm tăng cao, giá cả có chiều hướng tăng. Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, với nguồn cung dồi dào như hiện nay, nếu làm tốt công tác bình ổn giá sẽ khó xảy ra tình trạng sốt giá. Đơn cử, với sản phẩm thịt, diễn biến từ thời điểm tháng 11 đến nay ghi nhận mức giá thu mua lợn, gà ở các tỉnh phía Nam tương đối ổn định. Cụ thể, giá lợn hơi xuất chuồng đang được các thương lái thu mua với mức giá từ 39.000 – 43.000 đồng/kg tùy địa phương, giá gà ta từ 65.000 – 90.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các tỉnh phía Bắc, giá gà lại có xu hướng giảm nhẹ, hiện khoảng 75.000 – 80.000 đồng/kg. “Chăn nuôi của chúng ta cơ bản tiêu dùng nội địa là chính nên dù nhu cầu Tết có tăng cao nhưng giá cả sẽ không tăng mạnh” – ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định.
Đặc biệt, ngoài đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định, vấn đề kiểm soát chất lượng, ATTP trong dịp Tết có vai trò đặc biệt quan trọng. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có Chỉ thị về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm VSATTP trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và lễ hội Xuân 2017. Trong đó, yêu cầu các tỉnh, TP chỉ đạo chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch hành động năm cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, đồng thời tổ chức thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết. Cùng với đó, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các địa chỉ bán sản phẩm an toàn có nguồn gốc, xuất xứ, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận ATTP để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng giao Thanh tra Bộ phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) tổ chức trinh sát, điều tra các đường dây và hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, lậu…
Bộ NN&PTNT sẽ theo dõi sát mọi diễn biến thị trường hàng hóa thiết yếu trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Trần Thanh Nam