Những con số Chính phủ đưa ra trước Quốc hội ít nhiều có thể thấy những tín hiệu chưa mấy tích cực của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP quý I/2017 đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ. Nhìn lại tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 cũng chỉ đạt 6,21%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 ước đạt 6,3 - 6,5% và cũng thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015. Dù số lượng DN đăng ký thành lập mới trong 4 tháng năm 2017 đạt mức cao, nhưng tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn. Rồi một vấn đề được chỉ ra là, dù số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ (chiếm tỷ lệ 95 - 96%), thiếu các DN lớn làm trụ cột.Qua đánh giá của Chính phủ cũng như Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hơn các kiến nghị của người dân, DN, đề cao trách nhiệm người đứng đầu… Nhưng tình trạng lãng phí, tham nhũng mãi không được đẩy lùi, vẫn là nỗi “canh cánh bên lòng”. Rồi ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; hay an toàn vệ sinh thực phẩm thực tế vẫn chưa có chuyển biến căn bản. Chưa kể đến thực trạng nông nghiệp vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “được mùa mất giá”, liên tục phải “giải cứu”; bộ máy hành chính ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn chưa tinh gọn... đó cũng là nguyên nhân của sự trì trệ.Nhìn sâu vào nền kinh tế, nhiều ý kiến vẫn “phấp phỏng” trước thực trạng nợ xấu chưa được giải quyết triệt để; hậu quả của đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp. Áp lực của nhiều ngành sản xuất trước cánh cửa hội nhập rộng mở không còn rào cản, cũng khiến nền kinh tế đang chịu sức ép trên tất cả các mặt trận… Chính phủ khẳng định quyết tâm “sẽ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại. Quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra”. Nhưng như phân tích, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%. Với điều kiện và tình hình thực tế, mục tiêu này quả không dễ thực hiện. Bởi tăng trưởng vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng và chưa tận dụng khai thác được thị trường nội địa. Tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách...Bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng, với quyết tâm cao không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, nhưng kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh thay đổi chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững nền kinh tế. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tạo lập niềm tin đối với các nhà đầu tư và cộng đồng DN; thực hiện có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, “đồng hành cùng DN”... Thực hiện có hiệu quả 3 Nghị quyết liên quan đến kinh tế vừa được Hội nghị T.Ư 5 thông qua. Cùng với những giải pháp được Chính phủ đưa ra, hy vọng rằng, Quốc hội sẽ tìm ra được những giải pháp thực sự đột phá, khắc phục được những khó khăn hiện tại. Để từ đó, đổi mới tư duy cải cách thể chế, thay đổi chính sách mang tính căn cơ, dài hạn cho mục tiêu tăng trưởng.
Đòi hỏi những giải pháp đột phá
Kinhtedothi - Hôm qua, trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, những vấn đề đặt ra từ báo cáo bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, những tháng đầu năm 2017 của Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng đã nêu đúng và trúng những vấn đề “nóng” của nền kinh tế hiện nay.
Dù Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra toàn diện các vấn đề với những điểm được, chưa được, cũng như nguyên nhân, khuyết điểm, nhưng khi tốc độ tăng trưởng thấp, những lo ngại về việc sẽ khó khăn để đến mục tiêu đề ra lại hiện hữu.