KTĐT - Hôm chị đơn phương nộp đơn ly hôn ra tòa và xin được nuôi con, tòa gọi đến, anh ta còn tưởng đùa nên lớn tiếng: “Tòa án không phải là nơi để dọa dẫm, còn lâu tao mới bỏ!”.
Một tuần không dưới năm trận bị chồng dồn đánh, chị sống làm cái gì? Vậy mà, mọi người vẫn sợ cái cảnh gái bỏ chồng nên cứ bảo chị đừng ly hôn…
Ban đầu anh ta chửi chị, sau có vẻ như chưa đủ nên chửi sang bố mẹ, rồi đến cả gia đình chị. Sau cùng, cả họ tộc nhà chị được cái miệng anh ta phun ra, rủa xả… Nguyên nhân chỉ là những chuyện nhỏ nhặt như chẳng thể bé hơn, nhưng vì bản tính vũ phu, chấp nhặt, chẳng thông cảm nên mới thành thế.
Cuối tháng công việc nhiều, chị phải ở lại làm thêm hay buổi tối chị thức khuya giặt quần áo, anh ta cũng đánh và yêu cầu chị phải dậy sớm mà giặt kẻo mất giấc ngủ của chồng.
Mùa đông, trời nhiều sương, chị nhiều việc nên quên chưa kịp thu quần áo vào, anh ta cao giọng chửi. Sau chửi là bạt tai, tiếp theo là đá, đạp vào đùi non đến cả tháng sau chưa hết bầm. Rồi đến những cú giáng vào đầu không sưng nhưng đau điếng và cả những lúc anh ta cầm cả cái bát loa sứ táng vào mặt chị sưng vù, mức độ mỗi ngày càng lớn hơn như bị nghiện…
Có lần anh ta còn dồn đánh, ném chị bằng cái then cửa sắt, dù không trúng nhưng cũng đủ khiến chị sợ chết ngất. Con bé con mỗi lần chứng kiến cảnh đó lại khóc ré lên. Mẹ con chị luôn trong tâm trạng phập phù, sợ hãi.
Bà chị chồng lúc nào cũng bênh em mình chằm chặp. Vì cùng ở hoàn cảnh bị chồng đánh đập nên quen và cho rằng lão nào cũng thế. Chị ấy thường “dạy” chị: “Là chồng, nó có quyền. Là vợ, mợ không được cãi lại, phải biết nghe lời, nín nhịn thì mới trong ấm ngoài êm”.
Chồng chị được thể lại sa sả: “Tao cưới mày về, mất một đống một món tiền, mày ăn ở nhà tao cũng hết đồng to đồng bé, tưởng bỏ là bỏ ngay được à?”. Mọi người quanh đó biết chuyện, chỉ còn biết thương hại.
Bố mẹ chị dù biết nhưng lại sợ điều tiếng này nọ nên liên tục khuyên chị nhịn nhục, cho qua. Mẹ nhắn cho chị một cái tin, đại ý là tuyệt đối không được viết đơn xin ly hôn, nòi nhà này chưa có người nào dám nổi loạn như thế, chị không có quyền đi ngược lại “truyền thống tốt đẹp” đó! Và còn nói thêm, nếu anh ta viết cũng không được ký.
Sự áp bức nhất khiến chị phải đứng lên đấu tranh là từ việc anh ta vô lý cấm chị đi làm, cấm giao lưu với mọi người, dù lương công nhân của anh ta chẳng đủ nuôi thân. Anh ta khóa xe chị lại, khóa cả tủ quần áo để chị không có đồ mặc đi làm. Không làm thì lấy gì mà ăn, chị gắng xoay xở, vẫn đem gửi con ở nhà trẻ rồi mượn quần áo, mượn xe đạp, phóng vội đến cơ quan. Hai lần liền như thế, anh ta đến tận nơi chị làm đứng chờ. Nhìn thấy chị, anh ta như phát điên, chị phóng đi, anh ta đuổi theo, ép xe chị vào lề đường. Trong lúc chị run rẩy thì anh ta dựng xe, xấn tới tát chị tới tấp, miệng ba bả la mắng. Mọi người xung quanh hiếu kỳ xúm đông vào xem. Đúng lúc ấy, có anh cùng công ty chị tiến đến bênh vì cứ tưởng chị va chạm giao thông, đang bị bắt nạt. Chị vội vàng: “Không, đây là chồng em!”. Đồng nghiệp của chị cũng có khá nhiều người trông thấy, sau hôm đó những ai quen biết ở công ty đều thấy chị tội nghiệp. Chị không thể kiên nhẫn được nữa.
Hôm chị đơn phương nộp đơn ly hôn ra tòa và xin được nuôi con, tòa gọi đến, anh ta còn tưởng đùa nên lớn tiếng: “Tòa án không phải là nơi để dọa dẫm, còn lâu tao mới bỏ!”.
Chị vẫn quyết tâm lắm, người dân xóm ấy cùng đồng nghiệp cũng ủng hộ chị. Họ thậm chí sẵn sàng đứng ra làm chứng. Nhưng anh ta liệu có buông tha cho chị không? Bố mẹ liệu có còn nhìn mặt chị khi chị dám cãi lời đi ngược lại “truyền thống tốt đẹp” của gia đình, không chịu nhịn nhục sự chà đạp của chồng nữa?