Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới chỉ đạo điều hành, nói phải đi đôi với làm

Quốc Toản
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của Ban cán sự Đảng UBND TP, 9 tháng qua, TP đã đạt nhiều kết quả tích cực: tăng trưởng 9 tháng ước tăng 7,73%, dự kiến năm 2016 tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm gần đây.

Sáng 6/10, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cùng các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đã chủ trì hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần thứ 6, thảo luận tình hình Thủ đô 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm, kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng và triển khai đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Quyết liệt hơn, nói phải đi đôi với làm”, đó là yêu cầu Bí thư Thành ủy đặt ra với các cấp, các ngành trước các nhiệm vụ đề ra.
Giữ nhịp tăng trưởng
Theo đánh giá của Ban cán sự Đảng UBND TP, 9 tháng qua, TP đã đạt nhiều kết quả tích cực: tăng trưởng 9 tháng ước tăng 7,73%, dự kiến năm 2016 tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm gần đây. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 121.310 tỷ đồng, bằng 71,6% dự toán, dự kiến cả năm vượt dự toán được giao. Trong 9 tháng, tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 180.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ, thu hút FDI đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3,7 lần so với cùng kỳ 2015, có 16.700 DN đăng ký thành lập mới với 149.000 tỷ đồng, tăng 20% về số lượng và 48% vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN trên địa bàn lên 202.255 DN.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hùng

Phân tích rõ hơn về tình hình và các giải pháp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, sự nghiêm túc, bài bản, quyết liệt từ TP đến cơ sở chính là chìa khóa để tạo nên những kết quả này. Cùng lúc triển khai nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, đặc biệt công tác bầu cử và triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, nhưng TP vẫn thực hiện thành công, coi đây là động lực để hoàn thành tốt hơn. Ngay từ Thành ủy, việc đổi mới trong chỉ đạo điều hành là yêu cầu hàng đầu. Điều này thể hiện rõ qua việc quyết liệt tinh giản biên chế, cải cách hành chính qua các hội nghị giao ban trực tuyến, xây dựng hộp thư điện tử, lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời những vấn đề dân sinh, bức xúc.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong bức tranh kinh tế - xã hội của TP. Đó là sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp thấp hơn kế hoạch, chỉ tiêu xuất khẩu giảm 0,4% so với cùng kỳ, tiến độ giải ngân còn chậm; một số chỉ tiêu phải nỗ lực phấn đấu ở mức rất cao trong quý IV mới có thể hoàn thành kế hoạch năm như tăng trưởng, vốn đầu tư xã hội.
Hội nghị đạt sự thống nhất cao, xác định quý IV/2016 là thời gian nước rút để hoàn thành nhiệm vụ năm, bằng các giải pháp kích cầu đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh và kích cầu tiêu dùng, xuất khẩu để phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10,5% trong 3 tháng cuối năm để đạt chỉ tiêu kế hoạch 8,5- 9% đã đề ra.
Có địa chỉ xử lý ngay những việc cụ thể
Phát biểu kết luận hội nghị (toàn văn đăng trên báo Kinh tế & Đô thị ra cùng ngày), đánh giá cao những kết quả TP đạt được trong 9 tháng qua, tuy nhiên Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, yếu kém trong tình hình kinh tế - xã hội: Đó là dù tăng trưởng cao nhất trong 6 năm gần đây nhưng chỉ tiêu GRDP nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra, sức cạnh tranh của kinh tế vẫn còn yếu; ùn ứ giao thông cục bộ còn xảy ra, tổ chức giao thông chưa quyết liệt, hiệu quả. Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. “Ví dụ như thịt lợn giả thịt bò bán tràn lan ở Hà Nội, trách nhiệm các ngành đâu  phải kiểm tra xử lý từng địa bàn. Những việc như này phải có địa chỉ xử lý ngay và trách nhiệm người đứng đầu từng vụ việc phải rất rõ” - Bí thư Thành ủy yêu cầu.
Liên quan đến vấn đề môi trường, đồng chí cho rằng ô nhiễm bụi, không khí ở Hà Nội chúng ta là lớn nhất, trong đó ô nhiễm ben zen chiếm tới 70% lượng bụi, từ công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 30%. Do đó, cùng với việc hút bụi, vệ sinh môi trường, TP phải nghiên cứu hạn chế các phương tiện cá nhân. Đề án này đang được lấy ý kiến xã hội, các tổ chức tư vấn, người dân để tiếp tục hoàn chỉnh, triển khai, không thì không có cách gì. “TP chúng ta không nằm ở ven biển để mà đợi có một cơn gió thổi hết tất cả ra biển. Cái chính là chúng ta ở trong đô thị nên bắt buộc phải xử lý tốt môi trường tại chỗ” - Bí thư nhấn mạnh và cho biết, hiện TP đang đầu tư hệ thống quan trắc và sẽ tiếp tục đầu tư để kịp thời có giải pháp, giống như tiếp tục xử lý điều tra tìm ra nguyên nhân làm cá chết ở Hồ Tây. “Hồ Tây đã có dự án gom và xử lý nước thải từ nhiều năm nay. Nhưng bây giờ vẫn còn hiện trạng các hộ sản xuất kinh doanh vẫn xả nước thải ra hồ. Quận Tây Hồ cần phối hợp rà soát, kiên quyết thu gom xử lý nước thải, không để tình trạng này xảy ra một lần nữa. Dù chưa biết nguyên nhân nhưng việc xảy ra cho thấy công tác quản lý của chúng ta chưa tốt” - Bí thư Thành ủy nói.
Đề cập khiếu nại quyết định xử phạt hành chính của Công an quận Tây Hồ đối với phóng viên Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng  phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý dứt điểm vụ việc này, tạo sự ổn định và lòng tin cho dư luận.
Trong chương trình làm việc, hội nghị cũng tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện kết luận của Ban Bí thư về xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; triển khai Kế hoạch số 18 của Ban Thường vụ Thành ủy “Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi: Một mô hình đúng, trúng
Việc thí điểm không gian đi bộ quanh hồ Gươm là rất đúng, rất trúng. Nhờ vậy chỉ trong 9 tháng, số lượng khách du lịch đến Hoàn Kiếm đã đạt hơn 1,3 triệu lượt người, tăng hơn cả năm 2015. Vì vậy thời gian tới, đề nghị tiếp tục hoàn thiện hơn mô hình này như việc chỉnh trang hè, đường, chiếu sáng. Là không gian văn hóa, nên chúng ta không “tham” tổ chức nhiều dịch vụ, nhưng cũng cần phải có dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi của người dân. Quận cũng sẽ nghiên cứu tổ chức hệ thống giao thông tĩnh cho phù hợp, tiện lợi.
 Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa: Cần tiêu chí đánh giá cán bộ cụ thể
Để thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, cần phải có tiêu chí đánh giá cán bộ chính xác, khách quan. Huyện Phú Xuyên đã thực hiện đánh giá chéo giữa các phòng, ban với các xã; đồng thời thực hiện chấm theo thang điểm cụ thể từ lãnh đạo chủ chốt đến từng cán bộ, công chức. Điều này đã góp phần nâng cao hơn chất lượng công việc.
 Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng: Cải cách hành chính vẫn là số một
Việc triển khai xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp rất chậm, khó thu hút các nhà đầu tư. UBND TP đã giao Sở Công Thương chủ trì thu hút DN vào các cụm công nghiệp và tới đây giải pháp số một vẫn phải là minh bạch hóa thủ tục hành chính, trợ giúp nhiều hơn cho các DN.
 Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Trọng Quyết: Nhân rộng các tuyến phố kiểu mẫu
Đề nghị TP rà soát lại các quy hoạch đã có cách đây 20 – 30 năm để xem tính khả thi và thời gian thực hiện để từ đó làm công tác quản lý tốt hơn. Tôi cũng cho rằng tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn tại quận Thanh Xuân rất hiệu quả, cần nhân rộng. Tới đây, quận Ba Đình cũng sẽ thực hiện thí điểm mô hình này tại tuyến Kim Mã – Nguyễn Thái Học.