Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới công tác thanh tra nâng chất lượng giáo dục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến ở 63 điểm cầu về “Đổi mới hoạt động thanh tra các cơ sở giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ GD&ĐT, từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, Thanh tra các sở và các tỉnh đã tiến hành thanh tra hành chính, chuyên ngành theo kế hoạch của Bộ và thanh tra đột xuất.
Hội thảo trực tuyến "Đối mới công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu Đổi mới căn bản,  toàn diện GD&ĐT". Ảnh: VA
Hội thảo trực tuyến "Đối mới công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT". Ảnh: VA
Trong đó, 612 cuộc thanh tra hành chính tập trung chủ yếu vào việc thực hiện quy định về tổ chức, biên chế; trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trực thuộc; việc thực hiện quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. 1.030 cuộc thanh tra chuyên ngành đã tập trung vào việc quản lý dạy thêm, học thêm, các khoản thu - chi đầu năm học, việc thực hiện quy định về mặc đồng phục… Các cuộc thanh tra hành chính và chuyên ngành góp phần thúc đẩy hoạt động quản lý giáo dục của ngành; làm minh bạch các vấn đề bức xúc được xã hội quan tâm: Các khoản thu đầu năm học (như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…) dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường…

Tuy nhiên, đại diện thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, vẫn còn Sở GD&ĐT chưa nắm rõ thẩm quyền thanh tra, chưa xây dựng kế hoạch thanh tra các trường cao đẳng, đại học; kế hoạch thanh tra chưa nêu cụ thể nội dung và đối tượng thanh tra; chưa quan tâm đến tính đặc thù của hoạt động thanh tra; đội ngũ lãnh đạo quản lý thanh tra, thanh tra viên, cán bộ công chức thanh tra thay đổi thường xuyên, ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra. Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, không chú trọng thanh tra theo số lượng mà tăng cường hiệu quả và khả năng tác động vào hệ thống; phối hợp chặt chẽ thanh tra giáo dục với thanh tra Nhà nước ở địa phương; chuyên nghiệp hóa hoạt động thanh tra; chú trọng xử lý sau thanh tra.

Trước những kiến nghị này, ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT khẳng định: “Trước đây, hoạt động thanh tra ở cơ sở thường chọn giáo viên giỏi Văn, Toán đi thanh tra, làm như vậy là không đúng luật. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, tới đây, Bộ GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh đổi mới quản lý, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Đổi mới công tác thanh tra làm sao để người làm thanh tra hiểu được công việc, quy trình; khi thanh tra đúng trọng tâm, trọng điểm. Nếu thanh tra chỉ để giải quyết bức xúc thì chưa đúng, thanh tra phải cao hơn, làm sao để công tác thanh tra đúng vấn đề, làm đúng thì chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên”.