Nhân Ngày HTX Việt Nam (11/4), phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Văn An - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Khẳng định vai trò “bà đỡ”
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các HTX trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn?
- Từ trước đến nay, HTX vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các HTX nông nghiệp. Ngay cả trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng có một tiêu chí (số 13) về hình thức tổ chức sản xuất, tức là HTX hoạt động có hiệu quả. Việc các HTX hoạt động có hiệu quả còn liên quan đến một số tiêu chí khác rất quan trọng như điện, môi trường, giao thông, chợ, thủy lợi… Tuy nhiên, quan trọng hơn là thông qua hoạt động của HTX góp phần giải quyết việc làm, giúp nâng cao thu nhập và đời sống cho thành viên. Không những thế, HTX còn giải quyết các khó khăn mà từng hộ thành viên không làm được hoặc làm không hiệu quả.
Trong số các loại hình HTX trên địa bàn Hà Nội, Quỹ tín dụng Nhân dân (TDND) đang hoạt động hiệu quả hơn cả. Toàn TP hiện có 98 Quỹ TDND, đa số đều xếp loại khá, giỏi, chỉ 15% hoạt động trung bình. Với mục tiêu là chống cho vay nặng lãi để giúp nông dân làm giàu, ngoài giải quyết bài toán vốn, các Quỹ TDND còn góp phần khôi phục và đẩy mạnh hoạt động sản xuất của các ngành nghề, làng nghề.
Luật HTX 2012 có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, nghĩa là đến nay đã gần 2 năm. Kết quả chuyển đổi các mô hình HTX theo Luật trên địa bàn TP đến thời điểm này ra sao, thưa ông?
- Hà Nội là địa phương duy nhất đã ban hành gần như đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cần thiết để phục vụ công tác chuyển đổi mô hình HTX trong khi các địa phương khác còn đang lúng túng. Hiện, việc chuyển đổi theo Luật HTX 2012 vẫn đang được thực hiện, nhiều HTX sau tổ chức lại có hiệu quả như HTX Dương Liễu (Hoài Đức), HTX Triều Khúc (Thanh Trì), HTX Mai Đình (Sóc Sơn), Thống Nhất (Nam Từ Liêm)… Qua đó góp phần cải thiện đời sống cho thành viên. Tuy nhiên, số HTX đã hoàn thành chuyển đổi và hoạt động hiệu quả vẫn còn hạn chế.
Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Từ những năm 1996 – 1997, thực hiện Luật HTX, chúng ta đã xây dựng mô hình HTX kiểu mới, song có nhiều lý do cả chủ quan và khách quan mà các HTX chưa đạt được những yêu cầu đặt ra. Nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết dứt điểm như vốn, quỹ, công nợ nhưng chưa làm được đã vội vàng chuyển đổi theo kiểu “qua một đêm là thành HTX kiểu mới”, “bình mới rượu cũ”. Nguyên nhân đầu tiên là ở nhận thức, từ cán bộ đến thành viên vẫn chưa hiểu hết về HTX kiểu mới và cũ nên trong quản lý điều hành còn hạn chế, tư duy “nằm trong lũy tre làng”. Nhiều thành viên thờ ơ, không gắn bó với HTX vì không có động lực. Tình trạng đó đến nay vẫn còn tồn tại nên tới đây, chúng ta vẫn phải giải quyết những hạn chế này. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa dẫn tới việc chuyển đổi HTX theo Luật mới chưa đạt tiến độ là do văn bản hướng dẫn từ T.Ư chậm, đến nay còn nợ tới 6 văn bản của các bộ, ngành.
Trong số các HTX, HTX nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ lệ lớn nhưng hiện nay mới chủ yếu cung ứng dịch vụ đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho thành viên, còn việc tiêu thụ sản phẩm rất hạn chế. Vì sao, thưa ông?
- Dịch vụ tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và ở một số nước như Mỹ, HTX tiêu thụ nông sản rất phát triển. Tuy nhiên, với điều kiện ở nước ta, thời gian vừa rồi, ruộng đất còn manh mún, tự sản tự tiêu nên vấn đề tiêu thụ nông sản với HTX rất khó khăn vì sản lượng thấp, chất lượng không đồng đều. Trong khi đó các siêu thị hay thị trường xuất khẩu yêu cầu rất cao về chất lượng nông sản. Hơn nữa, muốn có đầu ra tốt thì nông sản như rau, hoa, trái cây sau thu hoạch phải được sơ chế, chế biến, nhưng nếu để HTX tự làm thì rất khó khăn.
Đa dạng hóa hoạt động
Nhiều ý kiến lo ngại về tính thực chất của việc tổ chức lại HTX theo Luật HTX 2012. Vậy, theo ông, làm thế nào để tránh được tình trạng “bình mới rượu cũ” trong quá trình chuyển đổi mô hình HTX?
- Hiện nay, TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện rà soát, đánh giá, phân loại các HTX, nếu đủ điều kiện thì chuyển đổi trước và kiên quyết không chuyển đổi hình thức. Đối với các HTX không đủ điều kiện chuyển đổi theo Luật mới thì chuyển sang loại hình tổ hợp tác hoặc chuyển sang hình thức DN. Liên minh HTX Hà Nội cũng đang phối hợp với các quận, huyện, thị xã, mỗi địa phương chọn 1 – 2 đơn vị để làm điểm rồi từ đó nhân rộng. Đồng thời, định hướng hợp nhất các HTX nông nghiệp quy mô thôn hoạt động kém hiệu quả thành HTX dịch vụ nông nghiệp quy mô toàn xã để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng sức cạnh tranh trong điều kiện cơ chế thị trường.
Mới đây, TP đã ban hành một số văn bản chỉ đạo hướng dẫn giải quyết những vấn đề tồn đọng từ những Luật cũ để các HTX dần chuyển mình. Theo Luật HTX 2012, thành viên vào HTX phải có đơn, góp vốn và cam kết sử dụng dịch vụ của HTX, còn phía HTX phải cung ứng dịch vụ thiết yếu cho thành viên. Do đó, để có thể phát triển được, các HTX phải đón bắt nhu cầu của thành viên, rà soát các phương án, dịch vụ. Đến nay, TP đã cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa, quy hoạch đồng ruộng nên cần tập trung đưa cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đẩy mạnh liên kết với DN. Muốn nâng cao đời sống cho thành viên phải sản xuất hàng hóa.
Theo ông, trong những năm tới, đối với địa bàn Hà Nội cần tập trung vào những mô hình HTX nào?
- Hướng phát triển chung của các HTX hiện nay là cần nắm bắt được nhu cầu của HTX để xây dựng kế hoạch phát triển cho phù hợp và mở rộng lĩnh vực hoạt động, trong đó quan tâm đến tiêu thụ nông sản phẩm, VSMT, chợ, các dịch vụ phục vụ đời sống như chăm sóc sức khỏe, cưới hỏi, ma chay… Ví dụ, đối với các HTX ở nội thành thì cần tập trung vào cung ứng các dịch vụ về nhà ở, nước sạch, VSMT, trường học… Còn đối với các HTX nông nghiệp, mấu chốt hiện nay là tập trung đưa khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất theo chuỗi, tạo dựng được thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Một trong những khó khăn hiện nay của các HTX là thiếu vốn lưu động và thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ. Theo ông, cần có giải pháp gì để hỗ trợ cho các HTX tháo gỡ những khó khăn này?
- Về nguồn vốn thì việc chủ động giải quyết vốn từ chính nội lực của HTX là giải pháp cơ bản. Chẳng hạn, trước đây, mỗi thành viên HTX Dương Liễu chỉ đóng 100.000 đồng, song khi chuyển đổi theo mô hình Luật HTX 2012, mỗi thành viên đóng góp hơn một triệu đồng nên vốn điều lệ của HTX đã tăng lên trên 4 tỷ đồng. Số tiền này giải quyết được rất nhiều việc, tranh thủ được vốn nhàn rỗi trong dân để phát triển thêm ngành nghề, giải quyết bài toán phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, thu nhập, việc làm…
Còn đối với vấn đề cán bộ HTX, Luật HTX 2012 quy định có 2 cơ quan quản lý là HĐQT và giám đốc HTX. Điều này có nghĩa là giám đốc HTX phải như một nghề mang tính chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật, quản lý kinh tế, thị trường, marketing, tài chính… Để hỗ trợ nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ HTX, năm 2014, Liên minh HTX đã tổ chức 5 lớp bồi dưỡng cho các giám đốc HTX trên địa bàn TP. Tuy nhiên, về lâu dài, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích những người trẻ, năng động, có trình độ tham gia vào các hoạt động phát triển HTX, giống như dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã tại các địa phương còn nhiều khó khăn.
Tinh thần tổ chức lại mô hình HTX là “Sự hài lòng của thành viên là giá trị cuối cùng của HTX”. Vì vậy, từ nay đến hết năm 2015, Liên minh HTX Hà Nội sẽ chú trọng vào công tác hỗ trợ phát triển kinh tế và tổ chức lại hoạt động của HTX theo Luật HTX 2012. Trong đó tập trung mạnh mẽ vào 57 xã phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm nay, góp phần cùng Thủ đô hoàn thành chỉ tiêu có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê của Liên minh HTX TP Hà Nội, hiện có 13,25% HTX trên địa bàn TP hoạt động hiệu quả. Tỷ lệ HTX hoạt động khá chiếm 37,39%, có 38,11% số HTX hoạt động ở mức trung bình, còn lại 11,25% HTX bị xếp loại yếu. Năm 2014, Liên minh HTX TP Hà Nội đã thành lập mới 30 HTX, nâng tổng số HTX đang hoạt động trên địa bàn lên 1.723, trong đó, số HTX nông nghiệp chiếm 58,5%. |
Thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh thu hoạch hoa loa kèn. Ảnh: Chiến Công
|