Trong 5 năm qua, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Các lĩnh vực cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hệ thống thể chế tiếp tục được hoàn thiện; thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực đã được đơn giản hóa, môi trường kinh doanh được cải thiện; chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan được điều chỉnh, kiện toàn, khắc phục được một bước tình trạng chồng chéo; một số sáng kiến cải cách hành chính đã được áp dụng và bước đầu thành công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra, cải cách hành chính vẫn còn những hạn chế, nổi bật là: Một số quy định pháp luật còn phức tạp, thiếu khả thi; bộ máy còn cồng kềnh, chưa phân định rõ nhiệm vụ, phân cấp chưa hiệu quả. Môi trường đầu tư còn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực... Trước yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, các cấp, các ngành, cơ quan phải quyết tâm thực hiện cải cách hành chính không để rơi vào tình trạng tụt lùi, lạc hậu. Cả hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải cải cách mạnh mẽ, đồng bộ, xóa bỏ mọi rào cản, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp theo hướng xây dựng cơ quan hành chính phục vụ. Chính phủ và bộ máy hành chính các cấp cần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, quyết tâm thay đổi căn bản phương thức quản lý, lề lối, tư duy lạc hậu, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức. Tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, tin cậy, môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi dậy tiềm năng, hình thành cơ chế bảo hộ pháp lý cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy sản xuất; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phòng ngừa vi phạm. Thay đổi tư duy trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho đối tượng thi hành và lưu ý sự tham gia của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình, Kế hoạch xây dựng pháp luật được giao, chú ý văn bản triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Bộ máy hành chính nhà nước phải luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp chung của đất nước, phục vụ nhân dân; kiên quyết không để lợi ích nhóm chi phối. Đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền phải liêm khiết, trong sạch, đặt lợi ích chung lên trên hết. Thực hiện nguyên tắc Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật, tuân thủ, thượng tôn pháp luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý cán bộ, công chức Công tác cán bộ là khâu then chốt trong công cuộc cải cách hành chính, cho nên phải lựa chọn bằng được những người có năng lực, chuyên môn, phẩm chất đạo đức. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý cán bộ, công chức ở tất cả các khâu tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm; có chính sách phù hợp để thu hút, sử dụng người tài. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng được yêu cầu, tiêu cực, nhũng nhiễu dân. Làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền từng cấp, từng ngành, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật. Các bộ, cơ quan, chính quyền địa phương phải hành động quyết liệt, tận tụy vì nhiệm vụ chung, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, nói đi đôi với làm. Bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước, tuân thủ nghiêm mệnh lệnh hành chính; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo sự chuyển biến tích cực và hiệu quả trong toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước. Kiên quyết thay đổi từ tư duy quan liêu, mệnh lệnh sang tư duy phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền phải nhận thức và thể hiện vai trò là “công bộc” của dân, tận tụy phục vụ nhân dân, không gây phiền hà, nhũng nhiều, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời tiếp tục cải cách mạnh mẽ tài chính công; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước là tiền thuế của người dân vì lợi ích chung của xã hội. Mọi khoản chi tiêu công phải bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, tiết kiệm, chống lãng phí, giảm bớt các chi phí không cần thiết, chống xa hoa, hình thức. Khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thông suốt của người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp đối với quá trình xử lý công việc, làm cơ sở đánh giá hoạt động công vụ và mức độ hài lòng của người dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ xây dựng chương trình hành động cụ thể, nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới cách làm, đề xuất nhân rộng các mô hình cải cách thành công; chú trọng kiểm tra, đôn đốc công tác cải cách hành chính.