Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới phải từ gốc

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, còn đạo đức là cái gốc của người cán bộ", quan điểm ấy được không ít ĐB Quốc hội đề cập đến trong phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội vừa qua.

Hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu người dân, DN không phải hiếm mà khá phổ biến. Có việc chỉ giải quyết trong vài ngày nhưng kéo dài cả tuần, nhiều tháng. Đây là vấn đề nhức nhối khiến Nhân dân than phiền, nhà đầu tư lo ngại.
 Đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận ngày 3-11
Cần xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát cán bộ, công chức để những kẻ bất tài kém đức không thể chạy chức, chạy quyền, không dám tham nhũng. Để chọn được người tài, loại bỏ cán bộ “vô tích sự” thì cần cải cách trong thi, sát hạch đồng thời phải có “chiếu cầu hiền”. Đó cũng là kiến giải nhận được sự đồng thuận của đa số các ĐB Quốc hội. Theo ĐB Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái): Cùng với sự cồng kềnh của bộ máy, chất lượng cán bộ yếu kém cũng đã được nhận diện là nguy cơ. Nguyên nhân của câu chuyện này là do tổ chức bộ máy có nhiều điểm bất hợp lý chưa được thiết kế lại một cách tổng thể. Các ĐB chỉ ra rằng, việc giáo dục, rèn luyện cán bộ về phẩm chất, đạo đức, lối sống vẫn còn buông lỏng. Cán bộ đứng đầu, cán bộ lãnh đạo các cấp khi làm việc với địa phương, cơ sở mới chỉ tập trung nói nhiều về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng chính trị chung chung, mà ít nói về đạo đức, phong cách của cán bộ, đảng viên, công chức. Khi xem xét bố trí cán bộ chỉ nặng về đánh giá hiệu quả công tác, sự nhanh nhạy, năng động, cũng ít nói về đạo đức, dù trong bản kê khai nhận xét đều có. Đây là lệch lạc không thể xem thường. Hiện nay, năm nào công chức, viên chức đều có đánh giá, là dựa vào tự kiểm điểm của từng cán bộ công chức, dựa vào đánh giá của tập thể. Nhưng nhường nhịn nhau, né tránh nhau để tất cả đều… tốt.
Rất đáng lưu ý khi có ĐB đề xuất, cần lập cơ quan lâm thời T.Ư rà soát bộ máy. Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực, lấy đạo đức, lấy lòng dân và thông tin đại chúng để kiểm soát quyền lực. Ban hành bộ tiêu chí đánh giá theo từng hành vi công vụ để trên cơ sở đó loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát bên trong, bên ngoài để cán bộ công chức không thể, không dám và không muốn tham nhũng. Bởi, nếu như chúng ta có quy chế sàng lọc, chế độ sát hạch hàng năm, sẽ loại ra những cán bộ không còn đủ năng lực chuyên môn, đạo đức.
"Cán bộ liêm chính thì Chính phủ, bộ máy nhà nước sẽ liêm chính", quan niệm ấy là đương nhiên. Nhưng muốn làm được thì cấp trên phải làm trước và cấp trên phải ít khuyết điểm hơn cấp dưới. Những tín hiệu mừng trong định hướng và phương châm hoạt động của Chính phủ được các ĐB đánh giá cao. Từ định hướng "liêm chính trong sạch - kiến tạo phát triển - hành động quyết liệt phục vụ Nhân dân", Chính phủ đang đề cao phương châm nói đi đôi với hành động, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm. Tinh thần tốt đẹp ấy đã lan tỏa và nhân lên trong đội ngũ cán bộ quản lý các cấp. Đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 26 nhưng cũng có ý kiến băn khoăn nếu ở cấp cơ sở, ở những cơ quan, đơn vị trực tiếp giải quyết các vấn đề của DN, người dân, người đứng đầu không nêu cao tinh thần trách nhiệm quyết liệt và làm gương thì Chỉ thị khó được thực thi một cách quyết liệt, hiệu quả và khi đó người dân, DN lại tiếp tục hứng chịu nhũng nhiễu, phiền hà. Và vì thế, điều cần nhất phải làm quyết liệt đó là công tác cán bộ, đặc biệt là phẩm chất, đạo đức.