Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới sáng tạo - đòn bẩy giúp doanh nghiệp tăng trưởng nhanh

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, DN buộc phải tìm ra những giải pháp, chiến lược đột phá làm mới mình, thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Đổi mới sáng tạo là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Yếu tố sống còn của DN

Trưởng Phòng Kinh tế số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua các DN đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tác động bởi đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải thay đổi và thích ứng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2023 - 2025, giữa bối cảnh kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong DN đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, được Chính phủ xác định là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để DN nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại, tăng tốc và phát triển.

Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông giới thiệu sản phẩm ứng dụng công nghệ mới 
Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông giới thiệu sản phẩm ứng dụng công nghệ mới 

Là một trong những DN thành công khi đổi mới sáng tạo, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, Rạng Đông chọn chiến lược phát triển bền vững là tăng hàm lượng khoa học cho sản phẩm. Năm 2022 là giai đoạn mới của chuyển đổi số Rạng Đông, sau bước vừa làm vừa học, ứng dụng, thử nghiệm một số công cụ số, Rạng Đông đã thực hiện được các bước số hoá riêng lẻ, đồng bộ hoá từng phần giống như thực hiện mài giũa các bánh răng riêng lẻ.

Bước vào giai đoạn 2022 - 2023, Rạng Đông đã thực hiện ghép các modul chức năng vào thành bộ máy hoàn chỉnh, các bánh răng đã khớp nối đồng bộ và bánh đà đã quay đưa Rạng Đông vượt qua những khó khăn suốt những năm 2020 - 2021.

Sau 3 năm tập trung đầu tư khoa học, công nghệ, công ty đã định vị được chỗ đứng trên thị trường, với nhiều sản phẩm chiếu sáng thông minh, được sản xuất trên những dây chuyền tự nghiên cứu, chế tạo; các phần mềm cho phép tích hợp nhiều sản phẩm chiếu sáng của công ty trên nền tảng công nghệ của các tập đoàn công nghệ như FPT, Viettel, VNPT, phục vụ cho nhu cầu xây dựng đô thị thông minh hiện nay.

“Giai đoạn 2015 - 2020 tăng trưởng bình quân 8 - 10%/năm; 2020 - 2022 hình thành mặt bằng tăng trưởng mới 15 - 20%/năm; Năm 2020 tăng trưởng 15,6%, năm 2021 tăng trưởng 16%; kết thúc 9 tháng năm 2022 Rạng Đông đã đạt tăng trưởng 18,9%” - ông Nguyễn Đoàn Kết chia sẻ.

Nhiều DN chưa sẵn sàng do chưa rõ cách làm

Nêu thực trạng đổi mới sáng tạo trong DN, Quản lý Chương trình Đổi mới sáng tạo USAID IPSC Trần Hoàng Thắng cho rằng, nhiều DN chưa biết được đổi mới sáng tạo như thế nào vì chưa có khung để triển khai, hoặc chưa sẵn sàng do chưa hiểu rõ cách làm.

Những hạn chế, khó khăn DN gặp phải trong quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo bao gồm hạn chế về nhận thức, nhân lực triển khai chuyển đổi số; hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số trên thị trường; hạn chế về tiếp cận các nguồn tài chính nhằm triển khai chuyển đổi số; hạn chế trong việc xây dựng hệ sinh thái tổng thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số như chính sách, nhận thức, logistics, phương thức thanh toán cũng như hạ tầng kết nối. Vì vậy, cần có giải pháp kết nối các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số uy tín để đồng hành, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số này của DN. Cho nên cần các chuyên gia chia sẻ mô hình cho DN và cần đội ngũ có năng lực đi cùng DN triển khai mới có hiệu quả.

Là DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, có kinh nghiệm chuyển đổi để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng Giám đốc Công ty CPCN Sao Bắc Đẩu Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Để DN Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, tạo lợi thế cạnh tranh thì nhất định phải đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong DN, trên cơ sở tận dụng trí tuệ Việt và con người Việt. Tuy nhiên, để có thể tiến hành đổi mới sáng tạo thành công, thì việc trước tiên cần làm là nhận biết được khó khăn, thách thức, từ đó tìm cách khắc phục các rào cản này để quá trình đổi mới có thể mang lại kết quả”.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất Chính phủ có những chính sách vận động, hỗ trợ, đào tạo đổi mới sáng tạo trong nội tại DN và các DN startup có giải pháp đổi mới sáng tạo.

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN Hà Nội Đặng Thị Hương cho biết, trong những năm vừa qua, Sở KH&ĐT Hà Nội đã tham mưu trình UBND TP ban hành và triển khai thực hiện nhiều đề án, kế hoạch nhằm hỗ trợ các DN trên địa bàn như: Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn năm 2019 - 2025. Trong đó triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy hỗ trợ DN, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ kinh phí thành lập mới cho DN thành lập mới (phí công bố thông tin lần đầu, kinh phí làm dấu và chuyển trả kết quả cho doanh nghiệp); hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV (trên 20 tỷ/năm); hỗ trợ kinh phí đào tạo kiến thức khởi nghiệp sáng tạo (20 triệu đồng/DN/1 năm)…

Theo bà Đặng Thị Hương, để có thể tiếp tục hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, cần thúc đẩy việc liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đây là nhu cầu hết sức thực tiễn, giúp các DN dễ dàng tiếp cận các nhà đầu tư, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời sẽ nắm bắt được đầy đủ các chính sách hỗ trợ và đầu mối triển khai chính sách hỗ trợ.