Đổi mới tư duy và hành động trong phát triển văn hóa

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thể hiện rõ hơn vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; có sự so sánh để đánh giá về đổi mới của đất nước, đó là những nội dung được đề cập đến tại cuộc góp ý Dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 28/10.

Theo các đại biểu, Dự thảo các văn kiện đã được chuẩn bị công phu, nội dung đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, một số nội dung còn dài và dàn trải, chưa làm nổi bật được những trọng tâm nhất cần phải giải quyết trong nhiệm kỳ tới. Đề cập đến vấn đề văn hóa, TS Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, những hạn chế, yếu kém trong Dự thảo Báo cáo Chính trị đã được chỉ ra khá nghiêm khắc và chính xác, đó là “văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có xu hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần”. Đây là nhận định xác đáng nhưng không mới. “Tại sao Nghị quyết T.Ư đã chỉ rõ văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển… nhưng vẫn chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị?” - TS Nguyễn Viết Chức nói.
 TS Nguyễn Viêt Chức- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội

Đồng thời cho rằng, kinh tế đi trước nhưng không có nghĩa là “quên” đi văn hóa; văn hóa phải đi liền theo, không để tình trạng đầu tư cho văn hóa không tương xướng với đầu tư cho kinh tế, như nhiều ý kiến nhận xét hiện nay. Theo TS Nguyễn Viết Chức, sự mất cân bằng ấy đã sinh ra hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sự trong sạch và vững mạnh của Đảng, phân tâm, suy giảm khối đại đoàn kết toàn dân.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đề cập trong Dự thảo, TS Nguyễn Viết Chức nhận định: “Nội dung tôi tâm đắc nhất là đặt vấn đề xây dựng con người Việt Nam lên hàng đầu và yêu cầu khá cụ thể việc xây dựng hệ chuẩn giá trị con người Việt Nam. Cái lớn nhất, bao trùm nhất của văn hóa là con người. Con người sáng tạo ra văn hóa và chính văn hóa lại tác động để hình thành nhân cách và phẩm giá con người. Môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, lũ lụt miền Trung như vậy có phải do con người tác động không?..”. Từ đó, TS Nguyễn Viết Chức góp ý, căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tình hình mới, Dự thảo cần diễn đạt lại phần nói về văn hóa, cả cách đặt vấn đề, cả nội dung và cấu trúc. Thực tế cho thấy, quan điểm của Đảng về văn hóa hoàn toàn đúng đắn, có tính xuyên suốt các thời kỳ cách mạng Việt Nam, vấn đề là giải pháp để thực hiện có hiệu quả. “Đổi mới cần cách nhìn mới, tư duy và hành động mới nhưng không thể không bài bản không hệ thống, thấy gì làm nấy, lợi sẽ bất cập hại và hậu quả khôn lường, nhất là trong lĩnh vực văn hóa” - TS Nguyễn Viết Chức nói.

PGS.TS Trần Hậu (Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Khoa học, giáo dục và môi trường của T.Ư MTTQ Việt Nam) cho rằng, nên có sự so sánh toàn diện giữa thực trạng đất nước hiện nay với quá khứ đất nước trước khi đổi mới để thấy sự thay đổi vượt bậc, để tăng thêm niềm tin và hy vọng. Đồng thời so sánh thực trạng nước ta với các nước trong khu vực và thế giới để đề phòng tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, có thể gây nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa.

Các ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh đó, nên đánh giá sâu hơn việc đổi mới đã toàn diện, đã đồng bộ như yêu cầu Đảng ta đề ra chưa. “Phải chăng giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội sự đổi mới chưa thật toàn diện, thiếu đồng bộ, còn sự khác biệt, chênh lệch về tốc độ và trình độ, chất lượng đổi mới, tạo nên độ chênh lệch. Điều này nhiều khi dẫn đến sự giãn cách giữa đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới văn hóa, xã hội, khoa học, giáo dục, đổi mới ở cấp T.Ư với các địa phương”- PGS.TS Trần Hậu nêu.

Nhiều ý kiến góp ý, để đạt kết quả cao hơn trong công cuộc đổi mới, cần một sự đồng bộ như chủ trương của Đảng đề ra. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, sự thiếu đồng bộ, chưa toàn diện chính là những điểm nghẽn của công cuộc đổi mới. Nếu khắc phục được điểm nghẽn đó, chắc chắn thành tựu của công cuộc đổi mới sẽ còn to lớn hơn nữa, tương xứng với tiềm năng của xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần