Đổi mới xúc tiến thương mại: Giải pháp nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xúc tiến thương mại (XTTM) đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng, phát triển, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng nông sản ổn định và có giá trị gia tăng cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động này càng khẳng định rõ tính hiệu quả, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Hà Nội vượt khó, phát triển bền vững.

 Khách hàng mua sản phẩm tại siêu thị Big C. Ảnh: Hải Linh
Kết quả bước đầu

Những năm gần đây, chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn tại địa chỉ chonhaminh.gov.vn đã hỗ trợ cho các DN, hợp tác xã (HTX) trong việc đưa nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, minh bạch về chất lượng và giá cả đến với người tiêu dùng Thủ đô. Tính đến thời điểm này, chợ thương mại điện tử đã đăng ký tài khoản cho hơn 600 thành viên trang giao dịch trực tuyến; tiếp nhận hơn 20.000 lượt truy cập, tìm kiếm thông tin hoặc mua hàng.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho biết: Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê”, HTX được Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ tham gia nhiều hoạt động XTTM như các hội chợ, hội nghị về kết nối, giới thiệu sản phẩm, tạo gian hàng trên chợ thương mại điên tử. Nhờ đó, HTX đã liên kết được với các DN để tiêu thụ ổn định sản phẩm lúa gạo của các thành viên. Chỉ tính riêng năm 2020, HTX đã tiêu thụ được 4.500 tấn gạo các loại.

Những kết quả kể trên là minh chứng rõ nét cho việc đổi mới cả về phương thức lẫn quy mô các hoạt động XTTM nông sản của Hà Nội. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở luôn lắng nghe những ý kiến, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ của DN, HTX, nông dân để có giải pháp khơi thông, kết nối nông sản với thị trường tiêu thụ...

Tuy nhiên, theo hoạt động XTTM nông sản thời gian qua còn không ít hạn chế như: Hoạt động dàn trải; nhiều DN, địa phương chưa hiểu rõ và quan tâm đúng mức về vai trò của XTTM. Đây là lý do khiến việc ký kết các hợp đồng kinh tế giữa DN với người sản xuất thông qua hoạt động XTTM chưa đạt nhiều như mong đợi.

Đồng hành cùng nông dân, hợp tác xã

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, ngành nông nghiệp Hà Nội xác định rõ để XTTM nông sản đạt hiệu quả, trước hết, phải có sản phẩm nông nghiệp đủ tiêu chuẩn, chất lượng và số lượng cung ứng ra thị trường. Do vậy, trong năm 2021, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường nắm thông tin về nhu cầu của người tiêu dùng song song với đánh giá, phân tích thị trường tiêu thụ. Qua đó, định hướng, tạo điều kiện cho HTX, nông dân sản xuất ra sản phẩm đủ số lượng, bảo đảm tiêu chuẩn, tránh việc gieo trồng ồ ạt, thu hoạch đồng loạt dẫn đến khó khăn cho khâu tiêu thụ.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, tổ chức các hội chợ, tuần lễ giới thiệu nông sản vẫn là giải pháp tối ưu của hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, việc này phải gắn với nhu cầu thực tế từ thị trường, phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Đáng chú ý, năm 2021, ngành nông nghiệp tập trung giới thiệu, quảng bá những sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và đặc biệt là tổ chức hội chợ nông sản theo mùa vụ.

Về phía nông dân, HTX cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quảng bá sản phẩm. Bởi, thực tế qua nắm bắt phản ánh của các DN phân phối nông sản, so với việc bán hàng thông qua các kênh truyền thống, bán hàng trực tuyến có nhiều lợi thế hơn do phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động quảng bá, XTTM, kinh doanh nông sản theo hình thức trực tuyến như: Facebook, tạo website, sàn thương mại điện tử đang là hình thức kinh doanh đem lại hiệu quả cao mà các nhà đầu tư, người kinh doanh hướng đến và phát triển.
Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị hỗ trợ hình thành các kênh bán hàng trực tuyến; thường xuyên tổ chức các gian hàng nông sản tại địa điểm đông dân cư, các khu chung cư, khu đô thị trên địa bàn TP để hỗ trợ tiêu thụ.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ