Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối phó với "đô la hóa": Việt Nam nên "bắt tay" với Lào, Campuchia

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc hợp tác chặt chẽ về tiền tệ và tài chính sẽ giúp Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia giải quyết một cách hiệu quả những thách thức đặt ra từ việc sử dụng nhiều loại tiền tệ trong nền kinh tế nước mình.

KTĐT - Theo các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc hợp tác chặt chẽ về tiền tệ và tài chính sẽ giúp Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia giải quyết một cách hiệu quả những thách thức đặt ra từ việc sử dụng nhiều loại tiền tệ trong nền kinh tế nước mình.


Theo ADB, Chính phủ Việt Nam có thể cải thiện được hiệu quả của các chính sách tiền tệ và chính sách tỉ giá hối đoái, đồng thời thu được nhiều lợi ích hơn từ việc tăng cường hợp tác kinh tế với các nước Lào và Campuchia.


Cũng theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế tại ADB, đồng USD đang được sử dụng quá rộng rãi ở Campuchia cùng với đồng nội tệ là đồng riên. Ở Lào, đồng kíp cũng được sử dụng song song với USD và đồng bạt Thái. Trong khi ở Việt Nam, VNĐ là đơn vị tiền tệ chính thức duy nhất, bên cạnh đồng USD có thể được sử dụng làm đồng tiền dự trữ bằng chứng là có một tỉ lệ đáng kể lượng tiền gửi ngân hàng là đồng USD. Số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ sử dụng ngoại tệ trong lưu thông ở Việt Nam là khoảng 20%, ở Lào khoảng 50% và ở Campuchia là hơn 90%. Tỷ lệ này phản ánh rõ ngoài đồng nội tệ, người dân Việt Nam, Lào, Campuchia còn sử dụng các đồng ngoại tệ khác trong kinh doanh. Đồng USD là lựa chọn số một, trên thực tế đó là hiện tượng "đôla hóa".


Có thể thấy, "đôla hóa" sẽ đặt ra những quy tắc cho chính phủ các nước trong việc cân đối thâm hụt ngân sách. Theo đó, Chính phủ không thể dễ dàng cân đối thâm hụt bằng cách in thêm tiền hay đề ra các loại thuế mới "đánh" vào người dân và doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu việc "đô la hóa" dẫn tới một tỉ giá hối đoái cố định thì còn giúp giá cả trên thị trường ít biến động. Tuy nhiên việc sử dụng nhiều đồng tiền trong một nền kinh tế sẽ "lợi bất cập hại" vì nó có thể khiến cơ quan quản lý kinh tế mất khả năng kiểm soát đối với chính sách tiền tệ và tỉ giá hối đoái. Đồng thời làm giảm quyền lực của Ngân hàng Trung ương với tư cách là người cho vay cuối cùng, lý do là ngân hàng chỉ in được một loại tiền trong khi người dân lại muốn giữ nhiều đồng tiền khác nhau.


Jayant Menon, nhà kinh tế hàng đầu của Văn phòng Hợp nhất Kinh tế Khu vực (OREI) thuộc Ngân hàng ADB cảnh báo: "Đô la hóa có thể làm cùn các công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tỉ giá hối đoái. Do đó, Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia cần phải giải quyết hàng loạt các vấn đề kinh tế và phát triển, chẳng chạn như vấn đề lạm phát tăng theo hình xoắn ốc. Ngoài ra, với tình trạng đa tiền tệ như hiện nay thì việc xử lý những cú sốc từ bên ngoài cũng mất thời gian hơn và khó khăn hơn". Chính vì vậy"Việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với Campuchia, Lào sẽ giúp các cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam tìm ra một giải pháp cho vấn đề "đôla hóa". Ba nước cần chú trọng tới những mức độ khác nhau của vấn đề "đô la hóa" tại nền kinh tế nước mình đồng thời nỗ lực tăng cường hợp tác với nhau và với các thành viên còn lại trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á". Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi kinh tế vĩ mô ở khu vực để giữ ổn định tài chính và đảm bảo chính sách tiền tệ và chế độ tỉ giá hối đoái được giữ ổn định với những mục tiêu phát triển kinh tế dài hạn.