Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đội phòng cháy, chữa cháy cơ động tình nguyện ở Cầu Giấy: Một cách làm hay

Bài, ảnh: Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng tại số 68 đường Trần Thái Tông, UBND quận Cầu Giấy đã thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cơ động, tình nguyện tại các phường.

Sau vài tháng đi vào hoạt động, Đội PCCC cơ động tình nguyện đã trở thành lực lượng không thể thiếu trong công tác ngăn chặn, hạn chế thấp nhất hỏa hoạn tại cơ sở.
Hiệu quả tức thì
Từ tháng 12/2016, thực hiện yêu cầu của UBND quận Cầu Giấy, 8 phường trên địa bàn quận đã thành lập các tổ PCCC cơ động tình nguyện. Từ ngày thành lập đến nay, các Đội PCCC “đặc biệt” này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về PCCC, kịp thời xử lý những vụ việc phát sinh. Đơn cử, vụ hỏa hoạn xảy ra tại phòng 402, nhà A12, Khu tập thể Quốc phòng, phường Nghĩa Đô diễn ra lúc 19 giờ 45 phút ngày Mùng 3 Tết Đinh Dậu vừa qua. Tại thời điểm đó, chủ của căn hộ khi đi chúc Tết đã khóa cửa nhốt con nhỏ ở trong nhà.

Đội phòng cháy, chữa cháy cơ động tình nguyện phường Dịch Vọng Hậu trước giờ đi làm nhiệm vụ.       

Tuy nhiên, do sơ suất không rút điện máy sấy tóc đã khiến ngọn lửa bùng phát. Nhận được tin báo, Đội PCCC cơ động tình nguyện phường Nghĩa Đô đã phối hợp với lực lượng bảo vệ dân phố và các hộ liền kề dùng kìm cộng lực tiến hành phá khóa đưa cháu nhỏ ra ngoài và dập tắt đám cháy. Gần đây nhất, vụ cháy cửa hàng chăn ga gối đệm số 215 đường Xuân Thủy cũng đã được giải quyết kịp thời, có công lớn của Đội PCCC cơ động tình nguyện. Theo lãnh đạo Đội PCCC số 3, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, nếu như Đội PCCC cơ động tình nguyện phường Dịch Vọng Hậu đến chậm khoảng 5 phút, hậu quả sẽ rất lớn.
Bà Phan Thị Thu Hà – Chánh Văn phòng UBND quận Cầu Giấy cho biết: “Hằng ngày, trước giờ người dân đi làm và khi người dân chuẩn bị đi ngủ các thành viên của Đội PCCC cơ động tình nguyện sẽ dùng xe đạp có gắn loa đi đến từng ngõ, ngách khu dân cư để nhắc nhở người dân tắt thiết bị điện trước khi ra khỏi nhà, đóng khóa van bình ga, kiểm tra việc thắp hương… để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra”.
Vẫn còn lo cơm áo, gạo tiền
Theo Quyết định của UBND quận Cầu Giấy, thành viên của các Đội PCCC cơ động tình nguyện là những người có độ tuổi từ 18 - 35, sức khỏe tốt. Dù là tình nguyện, nhưng thời gian làm việc như lực lượng chuyên nghiệp nhưng mức phụ cấp, hỗ trợ họ được nhận vẫn khá thấp với những người trong độ tuổi lao động. Anh Đào Duy Vương – Đội trưởng Đội PCCC cơ động tình nguyện phường Dịch Vọng Hậu cho bết, mỗi ca trực được hỗ trợ khoảng 60.000 đồng/người, nếu làm đủ, một tháng cũng chỉ nhận được khoảng 1,8 triệu đồng. Do mức thu nhập không đảm bảo nên đến nay đã có 3 người xin nghỉ.
Ông Nguyễn Quang Thắng - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết, trong thời gian đầu thành lập, UBND phường đã kêu gọi xã hội hóa, vận động các DN trên địa bàn ủng hộ để nâng cao thu nhập cho các thành viên trong Đội PCCC cơ động tình nguyện phường. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời. Do đó, để mô hình Đội PCCC cơ động tình nguyện tiếp tục phát huy được hiệu quả của mình, các thành viên yên tâm công tác đề nghị các đơn vị có chức năng xem xét tăng mức hỗ trợ, động viên những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. 
Các Đội PCCC cơ động tình nguyện do Phó Chủ tịch UBND phường, Trưởng Công an phường, Chỉ huy trưởng chỉ huy quân sự phường trực tiếp chỉ huy.  Đội được trang bị xe đạp, xe máy có gắn loa tuyên truyền, bình chữa cháy, xô múc nước, xẻng, xà beng, kìm cộng lực… sẵn sàng cứu hộ người dân trong các tình huống khẩn cấp 24/24 giờ.