Đời sống người dân miền núi khởi sắc

Lê Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ phát triển đa dạng mô hình sản xuất cùng sự hỗ trợ của các cấp, ngành, kinh tế - xã hội các xã miền núi của huyện Ba Vì đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên.

Hạ tầng từng bước hoàn thiện
Huyện Ba Vì có 7 xã miền núi (Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài) với dân số trên 77.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 28.000 người. Chăm lo đời sống cho người dân, huyện Ba Vì đã triển khai lồng ghép nhiều chương trình, dự án của T.Ư, TP cũng như của huyện về phát triển kinh tế - xã hội 7 xã miền núi. Từ các nguồn hỗ trợ, hạ tầng giao thông, hệ thống kênh, mương thủy lợi được cứng hóa, nhiều công trình nước sạch, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được xây dựng.

Chỉ tính riêng giai đoạn năm 2016 - 2020, huyện Ba Vì được TP Hà Nội hỗ trợ đầu tư 85 dự án với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, các quận nội thành đã hỗ trợ trên 82 tỷ đồng xây dựng các nhà văn hóa thôn; ngân sách TP đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây dựng các dự án nước sạch.
 Hạ tầng các xã miền núi Ba Vì được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Ảnh: Lê Thu
Đến nay, huyện Ba Vì đã hoàn thành và đưa vào sử dụng được 6 công trình nước sạch và 44 nhà văn hóa. Bên cạnh đó, 22 trường học ở 3 cấp học đạt chuẩn, chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tái mù chữ đạt được kết quả cao. Qua đó tiếp sức cho đồng bào vùng dân tộc miền núi đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Bùi Huy Giáp - Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì cho biết: Đồng bào 7 miền núi đã xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, mà thay vào đó là phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thời gian qua, huyện Ba Vì đã hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Nhân dân các xã miền núi với những việc làm thiết thực như hiến đất, ủng hộ tiền của, ngày công lao động...

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Triển khai đề án “Phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn”, tại 7 xã miền núi huyện Ba Vì đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, thâm canh chè sạch theo hướng VietGAP. Đến nay, tổng diện tích chè của 7 xã miền núi đạt 1.300ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ba Trại, Vân Hòa, Tản Lĩnh, Minh Quang và Yên Bài. Chăn nuôi bò sữa đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực tại các xã miền núi, với trên 12.000 con.
Nhiều làng nghề chế biến, sản xuất đã có lịch sử lâu đời và đang ngày một phát triển như làng nghề miến dong Minh Hồng, làng nghề sản xuất, chế biến chè búp khô Đô Trám và một số thôn, làng của xã Ba Trại; làng nghề chế biến thuốc Nam tại thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, giúp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

“Được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn sản xuất là động lực để chúng tôi vươn lên phát triển toàn diện các mặt đời sống. Người dân đã dần xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, biết tận dụng lợi thế, tiềm năng sẵn có để phát triển sản xuất, chăn nuôi và làm du lịch, dịch vụ” - ông Nguyễn Đăng Vận, thôn Khánh Chúc Bãi, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì vui vẻ chia sẻ.

Bên cạnh đó, với tiềm năng, thế mạnh, những năm gần đây, du lịch Ba Vì đang từng bước phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó ngoài khai thác tiềm năng sẵn có về thiên nhiên, các xã miền núi còn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, Dao, cụm di tích Đền Hạ - Đền Trung - Đền Thượng thuộc quần thể di tích Tản Viên Sơn để thúc đẩy du lịch, dịch vụ. Hoạt động du lịch phát triển đã tác động tích cực đến việc tiêu thụ nông lâm sản, nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa cho nông dân.
Thu nhập bình quân đầu người 7 xã miền núi của huyện Ba Vì năm 2020 đạt 39 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,12%… Đến nay, đã có 3 xã Yên Bài, Ba Trại và Minh Quang đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã còn lại đang phấn đấu về đích trong năm 2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần