Thu hoạch hoa nhài tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Thùy Tươi
Sóc Sơn có tổng diện tích tự nhiên hơn 30.651ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp hơn 18.667ha. Cùng với đặc thù ruộng đất manh mún, đất đai ở Sóc Sơn còn bị chia thành ba vùng (đồi gò, vùng trũng và vùng đất giữa) nên rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc triển khai DĐĐT của huyện từ năm 2010 được coi là cuộc cách mạng, tạo nền móng cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Với phương châm bài bản, thận trọng, làm tới đâu chắc tới đó, huyện đặt mục tiêu trong năm 2012 sẽ DĐĐT được 4.000ha ở 25 xã, nâng tổng số diện tích đã DĐĐT đạt 8.000/10.000ha đất nông nghiệp thuộc diện dồn đổi. Trong đó có 8 - 10 xã hoàn thành 100% diện tích, còn lại hoàn thành từ 50 - 80% diện tích. Đến nay, những nơi dồn đổi ruộng xong đều đã hoàn thành quy hoạch đất đai, giao thông thủy lợi nội đồng, từng bước đưa một số giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào đồng ruộng để nâng cao giá trị đất canh tác.
Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, sau 2 năm triển khai DĐĐT, cái được lớn nhất chính là cơ cấu mùa vụ ở Sóc Sơn đã thay đổi rõ rệt từ chỗ sản xuất không tập trung, 3 vùng với 3 thời gian sản xuất khác nhau trở thành sản xuất đại trà trên toàn huyện. Các giống lúa kém chất lượng dần được thay thế bằng lúa chất lượng cao. Đồng ruộng quy hoạch, nhân dân và các HTX trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư các loại máy gặt đập liên hợp, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tăng trưởng về nông nghiệp đạt 5%/năm, giá trị sản xuất đạt 109 triệu đồng/ha.
DĐĐT thành công còn giúp huyện quy hoạch được đồng ruộng, làm chuyển biến căn bản tư duy sản xuất của nông dân theo hướng sinh thái, hàng hoá. Sau DĐĐT là công tác quy hoạch: Huyện tập trung xây dựng hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng; phát triển các vùng sản xuất tập trung như hoa nhài, chè, rau an toàn, các dự án chăn nuôi tập trung, vùng chăn nuôi thuỷ sản. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh: lâm nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm tại vùng đồi gò; lúa và thuỷ sản vùng ven sông; cây công nghiệp ngắn ngày, rau, hoa tại vùng phía Nam và trung tâm. Bên cạnh đó, đầu tư, hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng một số sản phẩm có thương hiệu...
Để nâng cao kỹ năng sản xuất cho người dân, huyện tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện dạy nghề và đào tạo lại kiến thức nghề nông cho nông dân nhằm thay đổi dần tập quán, kỹ thuật canh tác theo hướng tiến bộ. Huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp luôn đạt mức tăng trưởng cao (riêng năm 2011 tăng trưởng 5%, cao nhất từ trước tới nay), năng suất lúa bình quân đạt 52 tạ/ha.