Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối thoại Shangri-La: Biển Đông “nóng” trên bàn nghị sự

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn ra từ 3 - 5/6 tại Singapore, trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực của Liên Hợ...

Kinhtedothi - Diễn ra từ 3 - 5/6 tại Singapore, trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực của Liên Hợp quốc (PCA) tại The Hague (Hà Lan) sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, Hội nghị thượng đỉnh an ninh Đối thoại Shangri-La được cho là sẽ tập trung bàn thảo sâu về những diễn biến tại Biển Đông.

Shangri-La - Hội nghị thượng đỉnh an ninh lớn nhất khu vực châu Á quy tụ Bộ trưởng Quốc phòng và tướng lĩnh quân đội 28 quốc gia khu vực tập trung vào căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Đối thoại Shangri-La cũng là nơi bộc lộ rõ nhất xung đột sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc về phán quyết pháp lý mang tính bước ngoặt tại Tòa PCA. Trước khi Tòa PCA đưa ra phán quyết, Hội nghị là cơ hội cuối cùng cho 2 cường quốc nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của các quốc gia khác. Trong khi các chuyên gia an ninh Mỹ cố gắng thuyết phục các nước Đông Nam Á, cũng như Ấn Độ và Nhật Bản ủng hộ công khai phán quyết tích cực cho Manila thì Bắc Kinh đang nỗ lực gây ảnh hưởng đến các nước nhằm ngăn chặn những lời chỉ trích từ phương Tây.
Hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong bối cảnh như vậy, các nước ASEAN sẽ được 2 cường quốc tranh thủ “lôi kéo”. Ông Greg Poling - Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), cảnh báo việc Trung Quốc đang cố gây áp lực với các nước để họ không công khai chống lại Bắc Kinh tại Đối thoại Shangri-La, tránh những chỉ trích từ phương Tây. Từ trước đến nay, các nước trong khu vực đã bày tỏ thái độ bất đồng với các hành động xây dựng, cải tạo phi pháp các đảo đá của Trung Quốc nhằm theo đuổi yêu sách chủ quyền ngang ngược ở Biển Đông. Tuy nhiên, các mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa các quốc gia nhóm ASEAN và cường quốc lớn thứ hai thế giới có thể khiến các nước này e dè trong việc bày tỏ sự ủng hộ với một phán quyết có lợi cho Philippines.

Các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng Tòa PCA sẽ đưa ra phán quyết tích cực cho Philippines, theo đó tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc - chiếm đến 80% Biển Đông là vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Người phát ngôn Bộ Ngoại Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của Việt Nam về Biển Đông sẽ được nêu ra tại hội nghị. Đó là, Việt Nam ủng hộ giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Về khả năng Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa PCA, ông Lê Hải Bình nêu rõ: "Chúng tôi mong muốn Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết công bằng, khách quan, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, đồng thời yêu cầu các bên liên quan tôn trọng pháp lý quốc tế được nêu ra trong công ước quan trọng này”.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ASEAN đang chuẩn bị cho một loạt các hội nghị quan trọng bàn thảo về vấn đề Biển Đông. Ngày 9/6, tại Hạ Long, cuộc họp lần thứ 12 Các quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc (SOM) về việc thực hiện Tuyên bố các bên ở Biển Đông (DOC). Trước đó, ngày 8/6 sẽ diễn ra cuộc họp của nhóm công tác chung ASEAN lần thứ 17 về việc thực hiện DOC và tham vấn Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).