Đối thoại tháo gỡ gánh nặng thủ tục hành chính về thuế và hải quan cho doanh nghiệp

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, VCCI phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính tổ chức hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2021”.

 Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi đối thoại.
Tham dự đối thoại có Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, các lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và đại diện cộng đồng DN trong cả nước.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, trong những năm qua ngành Thuế, Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tự động hóa một số quy trình thủ tục đổi mới tư duy và phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại của cán bộ Thuế, Hải quan tạo sự an tâm cho doanh nghiệp.
Về phía VCCI, trong thời gian qua, qua theo dõi thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp; VCCI cũng đã tiến hành thu thập thông tin, ý kiến góp ý của các doanh nghiệp bằng nhiều kênh khác nhau. Điểm nổi bật trong các kiến nghị năm 2021 bên cạnh một số trường hợp cụ thể của doanh nghiệp thì có nội dung bắt nguồn từ một số thay đổi trong các văn bản Luật, Nghị định hướng dẫn việc áp mã số, mã vạch hàng quá cảnh các mức thuế phí, quy trình hoàn thuế phí cũng được doanh nghiệp kiến nghị hướng sửa đổi cụ thể.
Tất cả ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp đến VCCI đã được chuyển đến các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính, toàn bộ các ý kiến khác đã được tập hợp, trả lời bằng văn bản và được đăng tải trên website của ngành và VCCI để các doanh nghiệp tiện theo dõi.
VCCI cam kết sẽ luôn phối hợp với Bộ Tài chính để đồng hành với doanh nghiệp trong việc cải cách TTHC Thuế, Hải quan, chung tay hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế tại Việt Nam.
 Toàn cảnh buổi đối thoại.
Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến đề xuất cải cách thuế của Việt Nam sẽ là thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận (miễn, giảm thuế suất) đã lỗi thời bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí cho phép các doanh nghiệp mục tiêu được khấu trừ bổ sung gồm chi phí vốn, chi phí lao động và chi phí lãi vay.
Về vấn đề này, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thương Huyền và TS. Lý Phương Duyên (Học viện Tài chính), khi đề cập đến các định hướng ưu đãi thuế, cần phân biệt rõ giữa các cơ chế ưu đãi chi phí và các ưu đãi lợi nhuận. Tương ứng với các nhóm ưu đãi, tùy theo từng giai đoạn và điều kiện nhất định mà Chính phủ có thể áp dụng các hình thức ưu đãi thuế khác nhau, nhằm đạt được mục tiêu của mình.
Còn theo chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long, việc cải tổ chính sách thuế và phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thì cần đúng và trúng, chỉ những doanh nghiệp gặp vấn đề, yếu kém mới cần hỗ trợ.
Bên cạnh việc miễn, giảm thuế, một số doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành xem xét đồng nhất hướng dẫn chính sách thuế nhập khẩu và GTGT.
Theo đại diện Công ty Hyundai Aluminum Vina, chính sách thuế nhập khẩu và GTGT đã và đang có những hướng dẫn không đồng nhất của Hải quan gây thiệt hại lớn cho DN dự tính lên tới 41,8 tỷ đồng.
Trong đó, năm 2016, doanh nghiệp ký hợp đồng thầu phụ với Samsung C&T để thực hiện gói thầu thi công tường nhà xưởng cho Samsung Display Bắc Ninh (DNCX). Theo hợp đồng hàng hóa nhập khẩu cho công trình không gồm thuế nhập khẩu và GTGT. Đồng thời, theo công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, hàng hóa mà doanh nghiệp nhập khẩu trong năm 2016-2017 không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu và GTGT.
Tuy nhiên, sau 4 năm, Tổng cục Hải quan lại liên tục có chỉ thị khác nhau như ngày 28/7/2021, quy định hàng nhập khẩu đưa thẳng vào DNCX để xây dựng văn phòng DNCX thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu nhưng phải kê khai nộp thuế GTGT tại khâu nhập khẩu; ngày 05/8/2021 (1 tuần sau công văn đã nêu), đơn vị này lại có công văn cho rằng doanh nghiệp phải nộp cả thuế nhập khẩu và GTGT, dẫn đến doanh nghiệp phải chịu thiệt hại dự tính về thuế nhập khẩu khoảng 11,4 tỷ, thuế GTGT 9,1 tỷ, tiền chậm nộp và tiền phạt là 21,3 tỷ đồng.
Từ thực trạng đã nêu, để tránh cho doanh nghiệp phải chịu tổn thất nặng nề vì lỗi của chính sách thuế và hướng dẫn không đồng nhất của cơ quan Hải quan, Công ty Hyundai Aluminum Vina đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các đơn vị giải quyết theo hướng dẫn của Bộ Tài chính có hiệu lực tại thời điểm nhập khẩu (Công văn 12366/BTC-TCHQ ngày 17/9/2013).
Cũng liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm cũng có kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý Tài chính, Hải quan rà soát để điều chỉnh chính sách thuế cho các nguyên liệu trong nước chưa thể sản xuất được, (nguyên liệu mà doanh nghiệp bắt buộc phải nhập khẩu để sản xuất) nhằm hỗ trợ thành phẩm sản xuất trong nước có thể cạnh tranh tốt hơn với thành phẩm nhập khẩu.
Theo Công ty CP Dược phẩm Imexpharm, chính sách thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, bao bì trong sản xuất thuốc (ví dụ Amoxicillin, Ampixicillin,…) còn một số điểm chưa hợp lý khi mức thuế áp cho nhập khẩu các nguyên liệu này cao hơn mức thuế nhập khẩu thành phẩm, trong khi doanh nghiệp bắt buộc phải nhập khẩu nguyên liệu do trong nước hiện không có đơn vị cung cấp nguyên liệu này.
“Giá thành phẩm sản xuất trong nước khó thể cạnh tranh với giá thành phẩm nhập khẩu khi chính sách thuế nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm chưa cân xứng”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - Hải quan 2021” được tổ chức trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và 9 điểm cầu trên cả nước nơi có chi nhánh và văn phòng của VCCI. Đây là năm thứ 16 Hội nghị được Bộ Tài chính và VCCI phối hợp tổ chức thể hiện sự quan tâm, quyết tâm cải cách đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp của Bộ Tài chính trong khắc phục những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ những bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính của  ngành Thuế và Hải quan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần