Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi tiền lẻ: Khó ở ngân hàng, dễ tại chợ đen

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các đơn vị không chỉ in các loại tiền mới từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi tiền đã qua sử dụng.

Không in thêm tiền dưới 5.000 đồng

Sáng 12/1, trong cuộc họp báo thông tin về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động ATM dịp Tết Nguyên đán của hệ thống NH, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, NHNN đã xây dựng phương án và điều chuyển tiền mặt mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông tới các chi nhánh NHNN tại một số tỉnh, TP lớn…
Dịch vụ đổi tiền lẻ tại đền Bà Chúa kho.  	Ảnh:  Thu Phương
Dịch vụ đổi tiền lẻ tại đền Bà Chúa kho. Ảnh: Thu Phương
Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí cũng như hạn chế việc lạm dụng dùng tiền lẻ trong các lễ hội, đền chùa… năm nay, NHNN tiếp tục không in thêm các tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 trở xuống như đã áp dụng từ năm 2013 đến nay. Theo tính toán của NHNN, việc không phát hành tiền mới in vào dịp Tết, đã tiết kiệm cho ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng gồm chi phí in, vận chuyển, đóng gói, phân loại, kiểm đếm…Với các mệnh giá khác, NHNN vẫn đưa ra một lượng tiền mới nhất định và đảm bảo đủ số lượng.

Khó ngân hàng tìm đến chợ đen

Tuy nhiên, tiền lẻ có đến được tay người dân hay không vẫn đang là dấu hỏi... Chị Nguyễn Thu Trang (Định Công, Hà Nội) muốn đổi khoảng 2 triệu đồng loại tiền 10.000 đồng để mừng tuổi. Tuy nhiên, do không biết đổi ở đâu, chị đành nhờ người làm ở VP Bank. Mặc dù vậy hiện chị vẫn phải chờ và không biết có còn tiền để đổi cho nhân viên không.
Nghị định 96/NĐ - CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH, hành vi “buôn” tiền lẻ, “tuồn” tiền lẻ ra ngoài chợ đen có thể bị phạt tối đa tới 40 triệu đồng.

Khác với chị Trang, bà Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) lại có nhu cầu đổi tiền lẻ loại 200, 500 hoặc 1.000 đồng để đi lễ chùa. Mặc dù trong năm, bà đã cóp nhặt những đồng lẻ từ tiền đi chợ nhưng Tết đến nhu cầu tiền lẻ lớn nhưng không biết đổi ở đâu. Ghi nhận tại nhiều NHTM đều không có quầy đổi tiền lẻ, và cũng không thấy xuất hiện “cò” đổi tiền. Nhân viên giao dịch tại Techcombank cho biết, thừa lệnh của NHNN, nhân viên các ngân hàng năm nay khó đổi tiền lẻ mới giúp họ hàng, bạn bè hay đối tác. “Tiền mới chúng tôi chỉ dành ưu tiên để đổi cho các khách hàng VIP, khách hàng thân thiết đã được các bộ phận quan hệ khách hàng tập hợp danh sách và lên kế hoạch" - anh Trung, nhân viên một NH ở đường Láng chia sẻ.

Tuy nhiên, do còn không ít người có thói quen đổi tiền lẻ trong dịp Tết, nên "cò" tại các chợ "đen” trên đường Đinh Tiên Hoàng, Phủ Tây Hồ, đền Bà Chúa Kho, Chùa Hà… vẫn còn "đất sống”.

Tại hầu hết các chùa lớn tại Hà Nội, dịch vụ đổi tiền lẻ đều được "lách" tại các cửa hàng bán đồ lễ, viết sớ. Tại khu vực Phủ Tây Hồ, một thầy viết sớ cho biết: "Có nhiều cán bộ quản lý mặc thường phục cải trang để đi chùa kiểm tra nên không phải cửa hàng nào cũng mời đổi tiền lẻ. Tuy nhiên, có cầu thì có cung, người đi lễ cần thì cửa hàng vẫn đáp ứng".

Một số loại tiền không còn mới nguyên mà đã được sử dụng mức phí rẻ hơn. Tại Phủ Tây Hồ khách đổi tiền 5.000 đồng mới thì phí đổi dao động từ 20 - 30%; qua sử dụng phí từ 15 - 20%. “Tiền mệnh giá nhỏ do khan hiếm giá đổi sẽ cao hơn và càng gần đến Tết thì giá càng tăng, như mệnh giá 500 đồng có mức phí dao động thậm chí lên tới 50 - 70%” - chị Quỳnh Nga, bán vàng mã trước cửa Phủ Tây Hồ cho biết.

Một điểm “nóng” khác về dịch vụ đổi tiền lẻ trên phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm) cũng không còn hoạt động công khai như trước. Những phụ nữ hành nghề đổi tiền không đứng túm tụm mà tản ra khắp các góc khuất. Đặc biệt, họ rất cảnh giác với người lạ và ống kính máy ảnh.

Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Vũ Xuân Thành đánh giá, gốc của vấn đề không phải phạt hành chính mà là vận động để quan hệ cung - cầu không còn nữa. “Khi đi lễ chùa, để phát tâm công đức người dân có thể để tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng vào hòm công đức thay cho việc gài tiền vào tay Phật, rải tiền, thả tiền xuống giếng...” - ông Thành nói.
Đảm bảo nhu cầu thanh toán, chống quá tải ATM
Để tránh tình trạng tắc nghẽn ATM trong dịp trước và sau Tết, NHNN đã yêu cầu các NHTM phải tăng chất lượng dịch vụ ATM, đảm bảo công tác an ninh, an toàn bảo vệ các máy ATM… tránh tình trạng tập trung quá đông người cần rút tiền tại máy ATM.
Năm nay, NHNN cho phép hệ thống thanh toán liên NH kéo dài thời gian hoạt động thêm 1 tiếng đồng hồ sau thời gian làm việc để đáp ứng các khoản thanh toán của DN, người dân; yêu cầu các đơn vị trong ngành đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ cho các DN đầu tư nước ngoài, DN xuất nhập khẩu, bởi dù là dịp nghỉ Tết nhưng các DN này vẫn cần hoạt động thanh toán.