Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Đối trọng” của sách toán phổ thông?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 11/9, tại Trung tâm Văn hóa Pháp, NXB Giáo dục Việt Nam đã cho ra mắt bộ sách Toán của Pháp bằng tiếng Việt. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu trong việc soạn thảo "Chương trình phổ thông sau năm 2015", cũng như cho giáo viên, các bậc phụ huynh và học sinh.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Như Ý (Giám đốc Công ty Sách dịch và từ điển, NXB Giáo dục Việt Nam), đại diện đơn vị xuất bản.

 Thưa GS, trong số rất nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, tại sao nhóm tác giả lại lựa chọn dịch và biên soạn sách của nước Pháp?

"Thời lượng của cả bộ sách toán cấp 1 của Pháp nhiều hơn chương trình hiện hành của Việt Nam tới 6.650 phút, tức học sinh sẽ gần như được học thêm 1 năm môn toán. Các bài toán mang tính hoạt động, gần gũi. Hình ảnh đẹp, thu hút và kích thích tinh thần học tập của các em. Tôi cũng rất ấn tượng vì không giống như ở Việt Nam, sách hướng dẫn dành cho giáo viên được đầu tư công phu và rất chi tiết về lý luận".GS Nguyễn Minh Thuyết

- Pháp là nước có truyền thống giáo dục lâu đời và hiện được xem là một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển ổn định nhất thế giới. Hệ thống giáo dục, đánh giá kết quả tương đối hoàn chỉnh và gần gũi với tư duy của giáo dục Việt Nam. Kết cấu chương trình của sách giáo khoa (SGK) Pháp đi từ dễ đến khó, theo nguyên lý đồng tâm (học tích lũy dần dần) phù hợp với năng lực nhận thức của trẻ.

Việc cho ra đời một bộ sách "đối trọng" với sách của Bộ GD&ĐT sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với đối tượng tiếp nhận, thưa ông?

- Bộ sách này sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho những học giả tham gia soạn thảo SGK, đặc biệt là chuẩn bị cho Chương trình phổ thông sau năm 2015. Bên cạnh đó, việc có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ giúp học sinh và giáo viên có nhiều lựa chọn hơn, chứ không như lâu nay, chỉ có một bộ SGK, "được chăng hay chớ", nhiều khi biết là dở nhưng vẫn phải học. Học sinh sẽ có nhiều lựa chọn để tạo ra nguồn kiến thức và có cơ hội tích lũy cho mình những điều tốt nhất.

“Đối trọng” của sách toán phổ thông? - Ảnh 1

Độc giả tại Lễ ra mắt bộ sách.

Ông có e ngại phản ứng của Bộ GD&ĐT không?

- Tất nhiên là không. Nhóm chúng tôi chỉ cố gắng làm ra cái tốt nhất trong khả năng có thể. Trong điều kiện này, xã hội dùng được đến mức nào thì dùng. Giả dụ, bạn đang dùng sách của chúng tôi cho con bạn tham khảo và thấy tốt chẳng hạn. Đó là điều đáng mừng. Còn nếu Bộ GD&ĐT có thể đưa ra bộ sách tốt hơn của chúng tôi, điều đó tốt quá, xã hội sẽ được nhờ!

Có ý kiến cho rằng, chúng ta nên mua bản quyền SGK tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh…) của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Với SGK xã hội thì có thể tự xây dựng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

-  Nếu SGK tự nhiên ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển ổn định có chất lượng tốt, việc tham khảo là điều nên làm. Việc có nên mua hay không, còn nhiều vấn đề cần thảo luận kỹ lưỡng.

"Bộ sách có thiết kế khá đẹp, nội dung gắn liền với thực tế cuộc sống, ít buộc học sinh phải học thuộc một cách máy móc. Đặc biệt, rất gần với triết lý giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại: Chơi mà học, học mà chơi. Tuy nhiên, bộ sách vẫn thiếu đi những lý giải, khái niệm mang tính hàn lâm và bài tập cho mỗi chương là quá nhiều so với thời lượng cho phép". GS Văn Như Cương

Trong khi đó, SGK xã hội lại mang đặc trưng của từng quốc gia nên khó có thể bắt chước. SGK xã hội phản ánh trước hết về tư tưởng, tư duy, thứ nữa là đặc điểm phong tục tập quán của từng dân tộc nên không thể làm giống y chang bất cứ nước nào.

Tuy nhiên, với cả hai nhóm SGK tự nhiên và xã hội, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi cách thức trình bày, phương pháp truyền đạt, mô tả và lồng ghép thực tiễn vào SGK… 

Ông có tham vọng sẽ đưa bộ sách này thay thế bộ SGK hiện hành không?

- Chúng tôi không nói trước được điều đó. Hiện, bộ sách mới chỉ được sử dụng cho mục đích tham khảo, không bắt buộc dành cho giáo viên, phụ huynh học sinh và những người quản lý giáo dục, đặc biệt là những người chuẩn bị viết SGK cho bậc trung học.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang làm đề án xin phép Bộ nghiên cứu và cho giảng dạy thí điểm tại một số thành phố, để từ đó đánh giá tương quan giữa hai bộ sách. Chí ít chúng ta cũng có thể rút ra được những ưu nhược điểm của bộ sách này nhằm bổ trợ cho việc xuất bản các bộ SGK tiếp theo. Xin cảm ơn ông!