Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đòn bẩy cho xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, UBND TP vừa có Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016.

Đây được coi là đòn bẩy cho quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, hướng tới hoàn thành mục tiêu TP đặt ra đến năm 2015.

Khuyến khích dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa

Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là một trong những yêu cầu quan trọng để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn. UBND TP đã đề ra kế hoạch trong hai năm 2012 - 2013, toàn thành phố thực hiện DĐĐT được trên 40.000ha. Để khuyến khích các địa phương thực hiện DĐĐT, theo Quyết định 16, TP sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo định mức quy định của Nhà nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách TP bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.

Đòn bẩy cho xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1

Ứng dụng máy cấy Kubota tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Thiên Tú

Trong đó, quy định hỗ trợ Ban Chỉ đạo cấp xã, thôn kinh phí hoạt động, tổ chức hội họp, tuyên truyền là 1 triệu đồng/ha; hỗ trợ 70% kinh phí đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng khi DĐĐT, trong đó ngân sách cấp TP hỗ trợ 50% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%. Ngoài ra, hỗ trợ toàn bộ bằng tiền để mua vật tư (khối lượng vật tư được tính theo định mức kỹ thuật quy định của Nhà nước) khi thực hiện kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Trong đó ngân sách cấp TP hỗ trợ 80% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%.

Để nhận được hỗ trợ thực hiện DĐĐT theo Quyết định 16, UBND cấp xã, HTX nông nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện DĐĐT trong vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, tập trung phù hợp với quy hoạch nông nghiệp đến năm 2020. Đặc biệt, sau khi DĐĐT phải đạt yêu cầu chỉ còn 1 - 2 thửa/hộ. Phương án DĐĐT được thông qua HĐND cấp xã và được UBND cấp huyện phê duyệt.

Nhằm đẩy nhanh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là sau khi thực hiện DĐĐT, trong Quyết định 16, TP chủ trương hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, ngân sách cấp TP hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất 100% giá trị sản phẩm. Phương thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua hợp đồng tín dụng vay vốn của các Ngân hàng Thương mại.

Các loại máy móc được hỗ trợ theo quy định gồm: Máy làm đất, máy gieo cấy, máy gặt đập liên hợp, máy sấy hạt, máy phun thuốc có động cơ, hệ thống tưới nước, máy phát điện, máy vắt sữa, máy thái cỏ, hệ thống làm mát chuồng trại, hệ thống cho ăn uống tự động, thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; máy quạt nước trong nuôi thủy sản. Ngoài ra còn có các loại máy móc do các tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu; có nhãn hàng hóa theo quy định tại nghị định số 89/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Đầu tư cho sản xuất giống

Theo Quyết định 16, TP cũng hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới theo quy hoạch trên địa bàn. Theo đó, các cơ sở sản xuất giống cây trồng được hỗ trợ gồm giống cây hàng năm, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, cây lâm nghiệp phải đáp ứng quy định về quản lý, kinh doanh, chất lượng theo quy định của Bộ NN&PTNT. Các cơ sở sản xuất giống vật nuôi, thủy sản cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn tương tự theo hướng dẫn, quy định của Bộ NN&PTNT cũng như các tiêu chuẩn quốc gia.

 
Đòn bẩy cho xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2

Cơ sở giết mổ công nghiệp Minh Hiền, huyện Thanh Oai.

Các đơn vị sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn thành phố sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Thông tư 11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 1/3/2012 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho Đề án phát triển giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp, giống vật nuôi và thủy sản đến năm 2020.

Đặc biệt, ngân sách TP hỗ trợ 100% lãi suất tính theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh TP Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa 3 năm, mức vốn vay tối đa để làm căn cứ tính hỗ trợ lãi suất 70% giá trị đầu tư của dự án. Số tiền hỗ trợ được cấp sau khi các cơ sở hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Trong đó, UBND TP phê duyệt mức hỗ trợ dự án sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có mức đầu tư từ trên 50 tỷ đồng trở lên; Sở NN&PTNT phê duyệt mức hỗ trợ dự án chuyên ngành (cây trồng, vật nuôi, thủy sản) có mức đầu tư từ dưới 50 tỷ đồng trở xuống.

Xây dựng, cải tạo cơ sở chế biến, giết mổ

Nhằm giúp nâng cao giá trị nông sản, UBND TP còn có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, nông sản theo quy hoạch. Ngoài được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở chế biến còn được TP hỗ trợ 100% lãi suất theo mức lãi suất vay của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh TP Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vốn vay tối đa để làm căn cứ tính hỗ trợ lãi suất là 70% giá trị đầu tư của dự án. Số tiền hỗ trợ được cấp sau khi các cơ sở hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, để nhận được hỗ trợ trên, các cơ sở chế biến, bảo quản phải đáp ứng điều kiện về công suất. Cụ thể, nhà sơ chế rau, củ (khoai tây, khoai lang), quả (bưởi, cam, chuối, nhãn, ổi) có công suất tối thiểu 5 tấn/ngày trở lên; cơ sở chế biến chè có công suất tối thiểu 10 tấn búp tươi/ngày trở lên; cơ sở sơ chế trứng gia cầm các loại quy mô tối thiểu 50.000 quả/ngày trở lên; kho lạnh bảo quản giống, rau, củ, hoa, quả, thịt, cá, trứng có thể tích tối thiểu 100m3 trở lên.

Để đảm bảo cung cấp cho thị trường thành phố nguồn thực phẩm an toàn, Quyết định 16 còn có chính sách hỗ trợ đầu tư các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Theo đó, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được hỗ trợ phải đảm bảo nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Cơ sở hoạt động phải có công suất giết mổ từ 20 con trâu, bò, ngựa trở lên; hoặc từ 100 con lợn trở lên; hoặc 500 con gia cầm/ngày trở lên. Ngân sách TP sẽ hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba.

 
Đòn bẩy cho xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3

Xây dựng kênh mương nội đồng xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn.

Kiên cố hóa đường giao thông nông thôn

Một trong những yêu cầu quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới là hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn. Đây một trong những giải pháp để nâng cao đời sống, cải thiện điều kiện đi lại cho người dân khu vực ngoại thành. Theo Quyết định 16, Ngân sách cấp TP hỗ trợ sau đầu tư 80% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%. Các khoản chi còn lại do ngân sách cấp xã thực hiện và huy động ủng hộ đóng góp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các nguồn tài chính khác. Hình thức hỗ trợ bằng tiền mua vật tư, khối lượng vật tư được tính theo định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định của Nhà nước.

Việc hỗ trợ kinh phí kiên cố hóa đường giao thông nông thôn được áp dụng cho các thôn, xóm, bản làng, khu dân cư nằm trong phạm vi các xã thuộc huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội; Đề án và quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Đường liên thôn, đường trục thôn và đường ngõ, xóm theo quy hoạch được duyệt.

Tại cuộc giao ban sản xuất nông nghiệp với các huyện, thị xã ngày 13/8/2012, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu các huyện đăng ký nội dung cụ thể để triển khai Quyết định 16 theo hướng đề xuất các danh mục phù hợp với thực tiễn, đúng khả năng của địa phương và thời hạn hoàn thành trong năm 2012, còn lại sẽ triển khai tiếp trong năm 2013. Trong đó chú trọng tới công tác DĐĐT và xây dựng đường giao thông nông thôn. Các hạng mục công trình phải đảm bảo tính công khai, dân chủ, có sự tham gia của người dân.