Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đơn giản tối đa thủ tục hành chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua hơn 3 năm triển khai Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015”, công tác CCHC của TP Hà Nội đã được thực hiện toàn diện.

Trong đó, lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được đánh giá là có chuyển biến nổi bật với số TTHC được công khai khá toàn diện.

Tăng công khai, giảm thủ tục

Xác định kiểm soát TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, từ khi có Chương trình 08-CTr/TU, hàng năm, UBND TP đều định kỳ ban hành kế hoạch về kiểm soát, rà soát đánh giá TTHC nhằm đơn giản hóa TTHC gắn với tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức. Tính đến nay, có 1.703 TTHC đã được công khai trên Cổng giao tiếp điện tử TP, trong đó, thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành là 1.309 TTHC. TP cũng đã công bố ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 757 TTHC, trong đó, năm 2014 công bố 73 TTHC mới, sửa đổi bổ sung 20, bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ 17 TTHC.

Đáng chú ý, trực tiếp Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng ban, ngành và Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc công bố công khai các số điện thoại, hòm thư góp ý tại trụ sở làm việc để tiếp nhận phản ánh của người dân về những tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức. Đến nay, 100% quận, huyện, thị xã xây dựng “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” theo hướng hiện đại; 94% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp được thực hiện thông qua một cửa, một cửa liên thông. Nhiều đơn vị giải quyết TTHC đạt 100% như: Văn phòng UBND TP, các Sở GD&ĐT, LĐTB&XH..., các quận, huyện Ba Đình, Hoàn Kiếm, Ba Vì... Đặc biệt, một số đơn vị có tỷ lệ giải quyết đúng hạn trên 99,5% như Sở Công Thương, GD&ĐT, quận Hai Bà Trưng, huyện Sóc Sơn...

Gần đây, một số đơn vị đã có những sáng kiến cải cách TTHC như Công an TP thực hiện tốt “3 giảm” (giảm thời gian, giảm hồ sơ giấy tờ, giảm số lần đi lại của người dân), và là đơn vị đầu tiên áp dụng tiếp nhận đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông qua internet và trả kết quả tại nhà; Sở Tư pháp chủ động cấp lý lịch tư pháp cho hàng vạn người chính xác, đúng hẹn; quận Cầu Giấy trả kết quả hồ sơ hành chính tận nhà dân (lĩnh vực quản lý đô thị và LĐTB&XH) trong trường hợp chậm trả kết quả so với quy định.

Nâng cao năng lực, trách nhiệm phục vụ

Kết quả đạt được trong cải cách TTHC khá rõ ràng, song theo đánh giá của đại diện Ban Chỉ đạo Chương trình 08: Một số sở, ngành vẫn chưa kịp thời tham mưu xây dựng, trình UBND TP công bố TTHC mới, sửa đổi... trong thời hạn quy định. Số TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông còn ít, do các cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì chưa xây dựng quy trình liên thông. “Đáng chú ý, một số sở, ngành có trách nhiệm phối hợp giải quyết TTHC cho DN, người dân theo một cửa liên thông chưa làm hết trách nhiệm, chưa đặt mục đích cao nhất là lợi ích của người dân và DN trong quá trình phục vụ. Chất lượng cán bộ, công chức có chỗ còn yếu, nhất là năng lực phát hiện vướng mắc và tham mưu biện pháp giải quyết. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm với các sai phạm vẫn thiếu kiên quyết” - Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng nhận xét.

Tiến tới khắc phục những hạn chế này, trong Kế hoạch CCHC của TP giai đoạn 2016 - 2020, triển khai thực hiện giai đoạn 2 Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, TP sẽ tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, giảm chi phí thực hiện TTHC; công khai, minh bạch các TTHC nhằm cải thiện môi trường đầu tư, mà trọng tâm là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và DN.