Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2014 của Bộ TT&TT tổ chức ngày 7/7, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhận định, thị trường viễn thông, trong đó có các dịch vụ OTT đang gia tăng nhanh chóng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Theo thống kê, ở Việt Nam có 12 triệu người sử dụng dịch vụ Viber, Line là 4 triệu người; Zalo là 10 triệu người... Dự báo cuối năm 2014 số người dùng dịch vụ OTT sẽ lên đến 30 triệu người. Cần có cơ chế quản lý các OTT là đòi hỏi từ các nhà mạng và từ thực tế thị trường viễn thông hiện nay. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng lo ngại, các OTT sử dụng hạ tầng chiếm băng thông, gây nghẽn mạng, đồng thời ảnh hưởng an ninh, an toàn thông tin, bản quyền, sở hữu trí tuệ. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước đối với việc phát triển thị trường viễn thông, tiếp tục ban hành và thực hiện quản lý thuê bao trả trước, tin nhắn rác lừa đảo trên mạng và các hoạt động khác, đặc biệt là dịch vụ OTT, các dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp nội dung số. Cục Viễn thông, Bộ TT&TT chủ trì xây dựng văn bản quản lý dịch vụ OTT và đề xuất những biện pháp quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số (CSP, CP) Liên quan tới giá cước viễn thông, Phó Tổng Giám đốc Viettel Hoàng Sơn đề xuất Bộ TT&TT giữ nguyên mức cước 3G như hiện nay, trong khi giảm cước thoại di động. Viettel đề nghị Bộ TT&TT cho áp dụng chính sách một giá cước không phân biệt nội mạng và ngoại mạng. Hiện nay, mức cước chênh lệch nội mạng và ngoại mạng khoảng 12,6%. Nếu Viettel áp dụng chính sách giá cước như cuộc gọi nội mạng cho tất cả các cuộc gọi nội mạng và ngoại mạng thì trước mắt, Viettel bị giảm hơn 77 tỷ đồng/tháng. Lý giải về đề xuất này, lãnh đạo Viettel cho biết, việc giảm cước thoại là giải pháp trước xu hướng nhu cầu thoại đang giảm và nhu cầu sử dụng 3G đang tăng mạnh. Thêm vào đó, dịch vụ OTT cũng đang gây sức ép mạnh đối với dịch vụ thoại, nếu không giảm cước thoại, nhà mạng sẽ khó có thể cạnh tranh với các dịch vụ OTT. Việc giảm cước thoại trên di động cũng nhằm khuyến khích tiêu dùng và hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong việc sử dụng dịch vụ di động. Đề xuất "kích cầu" của Viettel đã phản ánh đúng xu hướng phát triển của thị trường viễn thông. Ông Phạm Hồng Hải - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, Bộ quản lý giá cước dựa trên giá thành sản phẩm, Bộ sẽ yêu cầu Viettel và các doanh nghiệp viễn thông khác báo cáo giá thành dịch vụ di động làm cơ sở để Bộ TT&TT phê duyệt các đề xuất của nhà mạng về điều chỉnh cước. Quan điểm là, nếu doanh nghiệp chứng minh được giá thành dịch vụ thấp hơn mức giá cước mà nhà mạng đề xuất thì Bộ sẽ phê duyệt đề xuất điều chỉnh giá cước của nhà mạng.