Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Đơn vị làm đúng trách nhiệm nhưng lô hàng cứu trợ cả tháng trời chưa lấy ra được”

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trong khi Cục Thú y chỉ 2 ngày trả lời đồng ý, thì Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị TP Hồ Chí Minh hỏi Chính phủ về lô hàng 22.000 lon sữa do đồng bào ta ở Australia ủng hộ” - đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh) dẫn chứng.

Cần quy định rõ trách nhiệm của đơn vị tham mưu

Sáng 9/11, thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, từ điểm cầu Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu lên những con số đau xót, khi đợt dịch vừa qua tại TP Hồ Chí Minh đã khiến hơn 400 nghìn người nhiễm và gần 17 nghìn người tử vong.
 Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh) 
Nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và của đồng bào ta ở nước ngoài thì không biết hậu quả mất mát, đau thương còn nặng nề tới mức độ nào.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, trong báo cáo về công tác phòng, chống dịch và Báo cáo của Chính phủ năm 2021 về giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, chưa thấy đề cập đến việc làm sao để thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức được vai trò của mỗi bộ, ngành, địa phương.
Để mỗi một đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện vai trò chỉ đạo, hướng dẫn chứ không phải "khó thì về địa phương; dễ, đúng quy định thì Trung ương làm". Nói như Thủ tướng Chính phủ là "chống dịch như chống giặc", nhưng theo đại biểu “không phải các cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được điều đó”.
Với những việc mà địa phương cần xin ý kiến trong tình cảnh “nước sôi lửa bỏng”, nữ đại biểu cho rằng cần cơ chế cho sự đột phá.
Đại biểu lấy ví dụ cụ thể liên quan đến lô hàng hơn 22.000 lon sữa do kiều bào Úc ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch tại TP Hồ Chí Minh. Mặt trận Tổ quốc TP đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y.
Trong khi chỉ 2 ngày Cục Thú y trả lời đồng ý, thì Cục An toàn thực phẩm trả lời là đề nghị TP Hồ Chí Minh hỏi Chính phủ.
“Cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Cục thì làm tròn chức trách, nhiệm vụ, còn lô hàng cứu trợ về cả tháng trời chưa lấy ra được lỗi do ai?”, đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu vấn đề.
Từ đó, nữ đại biểu mong Chính phủ tạo ra cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của từng bộ ngành và từng cán bộ trong việc tham mưu, để “không cần nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy”.
“Chúng tôi cần một sự phân cấp mạnh, một hướng dẫn rõ ràng trong những tình huống như thế này”, đại biểu Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.
Nơi có điều kiện nên cho cách ly tập trung cho người từ vùng dịch về
Cho rằng công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) thẳng thắn chỉ ra những vấn đề như công tác dự báo tình hình dịch bệnh, công tác chỉ đạo phòng chống dịch ở một số địa phương còn lúng túng, nhiều tỉnh ban hành quy định không nhất quán, gây khó khăn cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, tỉ lệ tiêm chủng vaccine nhiều địa phương còn thấp...
 Đại biểu Mai Văn Hải (Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)
Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh, trong đợt dịch lần thứ tư, người dân sinh sống ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê hương rất đông, khó kiểm soát và quản lý, nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh phức tạp, số ca mắc những ngày gần đây vẫn tăng, chi phí xét nghiệm còn nhiều bất cập, hạn chế.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên xem xét, đánh giá lại quy định tạm thời về việc phê chuẩn an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 để có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh, giảm số ca mắc, giảm số ca tử vong trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Từ thực tế người từ các tỉnh phía Nam trở về quê, dù nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, được cách ly tại nhà nhưng do điều kiện gia đình, do ý thức hạn chế nên đã làm lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người xung quanh, dẫn đến phát sinh các ổ dịch khó kiểm soát... đại biểu đề nghị những nơi có điều kiện vẫn nên cho cách ly tập trung để tránh lây lan cho cộng đồng.