Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đông Anh: Thêm 250ha đất nông nghiệp công được khai thác

Tin & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đông Anh (Hà Nội) Nguyễn Lê Hiến cho biết, thời gian gần đây, công tác quản lý, khai thác quỹ đất nông nghiệp và quỹ đất bãi bồi ven sông đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến giữa năm 2020, trên địa bàn huyện đã đưa thêm 250ha đất nông nghiệp công vào quản lý, khai thác theo hình thức ký hợp đồng để các hộ gia đình, cá nhân thuê sản xuất nông nghiệp.

Lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết, đối với đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP đã được quản lý hiệu quả, được đưa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó 6 xã nằm ngoài quy hoạch phát triển đô thị đã thực dồn điền, đổi thửa xong từ năm 2016 - 2017 theo quy định. Cùng với thực hiện các Chương trình, Đề án về quản lý khai thác tiềm năng đất đai, quỹ đất nông nghiệp giao ổn định cho các hộ đã được rà soát, quản lý, khai thác tại Đề án Chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đối với đất nông nghiệp công (đất do UBND các xã, thị trấn quản lý) đã được quản lý và đưa vào khai thác hiệu quả: Đưa trên 250ha đất nông nghiệp công vào quản lý, khai thác (ký hợp đồng theo quy định để các hộ gia đình, cá nhân thuê sản xuất nông nghiệp, có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đã được hình thành đóng góp cho sự phát triển kinh tế của huyện); thu hồi và đưa vào thực hiện Đề án trồng và quản lý cây xanh trên 150ha đất công; rà soát, thống kê quản lý chống lấn chiếm gần 400 hồ ao (với diện tích khoảng 170ha) để từng bước tách nước thải, kè, xây dựng các điểm sinh hoạt cộng đồng theo Đề án Quản lý ao hồ (đến nay, đã thực hiện được khoảng 220 hồ ao).
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp huyện Đông Anh đạt hiệu quả cao sau khi được chính quyền giao đất, cho thuê đất. 
Đối với đất bãi bồi ven sông: Cơ bản các diện tích đất bãi bồi ven sông được bảo vệ không bị xói mòn, sạt lở và được khai thác để sản xuất nông nghiệp; một phần nhỏ được sử dụng làm bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng theo quy định (tại xã Mai Lâm, Tàm Xá).
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đông Anh Nguyễn Lê Hiến, công tác quản lý, khai thác quỹ đất nông nghiệp và quỹ đất bãi bồi ven sông trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như Quỹ đất nông nghiệp ngày các bị thu hẹp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, các dự án công ích, công cộng của Quốc gia, TP, của huyện và các dự án đầu tư ngoài ngân sách của các tổ chức, cá nhân.
Một số chính sách quản lý đối với quỹ đất nông nghiệp công (ngoài quỹ đất công ích 5%) chưa được cụ thể hoá trong pháp luật về đất đai, nên chưa đáp ứng được so với yêu cầu của thực tiễn; Qua kiểm tra, thanh tra còn phát hiện một số tồn tại cần được tháo gỡ; Xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp công đã đạt được kết quả bước đầu nhưng việc quản lý, xây dựng phương án sử dụng (trồng cây xanh để quản lý, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch...) chưa xử lý triệt để, tái vi phạm phát sinh.
Ngoài ra, việc khai thác quỹ đất bãi bồi ven sông để phục vụ cho các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, do còn vướng mắc về cơ chế chính sách và do thực hiện các quy định của pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai.
“Nhằm khắc phục những hạn chế trên, một trong những giải pháp thời gian tới là sẽ đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến người dân về chủ trương phát triển, những lợi ích mang lại từ công tác quản lý, khai thác tiềm năng đất đai và những dự án thu hồi đất với sự phát triển của Thủ đô, đất nước nói chung và quá trình đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận nói riêng. Trong đó có vai trò, trách nhiệm và những lợi ích của người dân trong khu vực được thụ hưởng để người dân hiểu và đồng thuận” - ông Nguyễn Lê Hiến cho hay.