Thống kê sơ bộ cho thấy, toàn khu vực có 265 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 450km, uy hiếp nghiêm trọng đến ổn định dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội.
Những vị trí đang bị sạt lở nghiêm trọng theo báo cáo đánh giá nêu trên nằm chủ yếu tại 3 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và Bạc Liêu. Cụ thể, tại tỉnh An Giang, năm 2012 và 2017 xảy ra sạt lở bờ sông nghiêm trọng tại bốn vị trí với tổng chiều dài 422m, làm sập hoàn toàn 35 căn nhà, uy hiếp an toàn của 273 hộ dân và gây hư hỏng nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng. Tại tỉnh Đồng Tháp, năm 2014 và 2015 xảy ra sạt lở bờ sông Tiền tại hai khu vực với tổng chiều dài trên 800m ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của khoảng 500 hộ dân. Tại tỉnh Bạc Liêu, năm 2016, xuất hiện hai vị trí sạt lở cửa sông ven biển làm hư hỏng hoàn toàn 71m dầm mũ hắt sóng bằng bê tông cốt thép và 390m2 diện tích mái kè dù đã được bảo vệ bằng cấu kiện bê tông TS178… Ngoài ra, tại các tỉnh: Tiền Giang, Cà Mau, Sóc Trăng… giai đoạn từ 2012 đến nay cũng xảy ra nhiều trường hợp sạt lở ven sông. Nhằm ổn định dân sinh tại các vị trí trọng điểm thường xuyên bị sạt lở thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị về Tăng cường phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, làm cơ sở để các bộ, ngành triển khai thực hiện. Giao Bộ TN&MT đánh giá tổng lượng bùn cát đến từ thượng nguồn sông Cửu Long và tổng lượng cát khai thác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, làm cơ sở đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế nguy cơ suy thoái lòng dẫn, suy kiệt dòng chảy khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, giao Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành rà soát, lập dự án đầu tư xử lý cấp bách các trọng điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đồng thời, lập quy hoạch chỉnh trị bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long để xác định và quản lý hiệu quả hành lang ven sông, ven biển.