Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng bộ khung pháp lý để thương mại phát triển

Ngọc Anh – Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có rất nhiều chính sách, đề án nhằm phát triển thương mại nhưng thực tế hoạt động trong lĩnh vực này thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả, vẫn còn manh mún và doanh nghiệp chưa đủ sức cạnh tranh... đang đòi hỏi các nhà hoạch định phải có giải pháp đồng bộ để thương mại phát triển.

Coi ngành bán lẻ là ngành công lập
Ngày 4/5, Vụ Thị trường trong nước (TTTN), Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo tham vấn: Xây dựng chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến 2015, tầm nhìn đến năm 2035 tại Hà Nội nhằm lấy ý kiến nhằm hoàn thiện chiến lược phát triển kinh tế thương mại nội địa trong hiện tại và tương lai. Trong đó, Đề cương chi tiết chiến lược phát triển thương mại điện tử trong nước chia trên 3 nhóm vấn đề chính: Thứ nhất, thực trạng phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2006 - 2015; Thứ hai, định hướng phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2035; Thứ ba, các nhóm giải pháp chủ yếu và tổ chức thực hiện chiến lược.
TS Phạm Nguyên Minh - Viện Nghiên cứu thương mại chia sẻ, mặc dù lĩnh vực thương mại trong nước có vị trí vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, tuy nhiên, vẫn chưa có một chính sách phát triển cụ thể, vẫn còn một số thiếu sót cần được thảo luận lấy ý kiến. Trong khi đó, TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, ngành dịch vụ bán lẻ đang là một mắt xích vô cùng quan trọng để kết nối sản xuất với tiêu dùng, tuy nhiên vị trí và vai trò của nó chưa được nhìn nhận đúng đắn. “Trong tinh thần xây dựng chiến lược phát triển thương mại trong nước, cách giải quyết được rào cản lớn nhất hiện nay chính là cần xác định vị trí, vai trò rõ ràng hơn của ngành bán lẻ trong nền kinh tế cả nước. Do đó, cần coi ngành bán lẻ là ngành công lập, được ưu đãi đầu tư, chứ không nằm trong nhóm cơ sở hạ tầng thương mại” – bà Loan đề xuất.
Chưa theo kịp xu thế
Từ thực tế quản lý tại Nhà nước ở địa phương, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, cơ chế chính sách hiện chưa theo kịp tiến trình hội nhập, như chính sách bảo hộ thương mại trong nước... Loại hình thương mại phát triển không đồng đều, chỉ tập trung ở khu vực nội thành các TP lớn. Trong khi vùng ngoại thành DN không muốn đầu tư, thậm chí có huyện chưa có siêu thị nào. Mô hình chợ truyền thống thu hút xã hội hoá về cơ bản không đạt mục tiêu đề ra dẫn đến hệ thống chợ truyền thống hiện đang sập sệ xuống cấp, không đảm bảo ATVSTP...
Tuy đồng tình với quan điểm dự thảo, nhưng bà Trần Thị Phương Lan thẳng thắn chỉ ra, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cần định hướng phân bổ về các vùng ngoại thành. Vì thế, bà Lan đề xuất giải pháp, rà soát sửa đổi cơ chế chính sách hiện nay, xây dựng khung pháp lý đồng bộ cho phát triển thương mại trong cả nước. “Ngay tại Hà Nội, khâu quản lý đang hết sức khó khăn nên giải pháp quản lý loại hình thương mại cần cụ thể sát thực, cũng như đánh giá vai trò của hệ thống phân phối tác động ngược lại như thế nào” – bà Lan nhấn mạnh.
Còn PGS. TS Trần Xuân Thọ lại cho rằng, một trong những vấn đề làm giá thành bán lẻ cao là do cơ sở hạ tầng còn yếu kém, rất nhiều DN mong muốn đưa được hàng vào siêu thị, có mặt trong các kênh phân phối hiện đại nhưng cũng không lường trước được rủi ro. Muốn phát triển tốt thương mại thì vấn đề kết nối phân phối, hình thành chuỗi cung ứng sản xuất phải tạo ra được. Do đó, chính sách xây dựng nên hình thành có chuỗi cả nước, có chuỗi vùng, địa phương, nghĩa là tạo ra nhiều kênh lúc đó mới phát triển được thương mại.
Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), dư địa chính sách cho phát triển thương mại không còn nhiều nên phải khai thác như thế nào cho hợp lý. Do đó, chiến lược phát triển thương mại được xây dựng hướng tới bảo đảm tính toàn diện, tiếp nối phù hợp và thống nhất trong tổng thể định hướng chung. Ông Quyền cũng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục hội nhập nền kinh tế toàn cầu nâng cao, chiến lược thương mại hiệu quả sẽ giúp kết nối khu vực nông thôn và thành thị, trong đó định hướng chiến lược có những giải pháp để thực hiện, từ nhiệm vụ chủ trương, nhất là phù hợp, tạo điều kiện cho DN phát triển...