Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ giải quyết tình trạng thiếu hụt khí đốt tại châu Âu

Cao Phương Thảo (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc điều hành công ty sản xuất dầu khí lớn nhất của Đức Wintershall lưu ý rằng châu Âu cần một cơ sở hạ tầng đa dạng, đáng tin cậy và hiệu quả kinh tế để vận chuyển khí đốt.

Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24 ngày 1/6, ông Mario Mehren - Giám đốc điều hành (CEO) Công ty dầu khí Wintershall, khẳng định rằng tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga sẽ giúp châu Âu khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt trong tương lai. “Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là một trong nhiều giải pháp hiệu quả để bù đắp việc thâm hụt nguồn cung khí đốt của châu Âu trong thời gian tới” - ông Mehren cho hay.
 Dự án khí đốt do Nga dẫn đầu được cho là đã hoàn thành hơn 94%. Ảnh: Tass
CEO Wintershall lưu ý rằng châu Âu cần một cơ sở hạ tầng đa dạng, đáng tin cậy và hiệu quả kinh tế trong việc vận chuyển khí đốt nhằm đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu. “Việc có nhiều lựa chọn về nguồn cung khí đốt là điều thuận lợi cho châu Âu”, lãnh đạo của Wintershall cho biết.
Ông Mehren cũng nhấn mạnh rằng các vấn đề về an ninh năng lượng của châu Âu cần phải được giải quyết tại chính khu vực này. “Chúng tôi kiên quyết bác bỏ mọi biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ”- CEO Wintershall cho hay.
Theo ông Mehren, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể mở đường cho quá trình bình thường hóa mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 sớm hoàn thành và được đưa vào vận hành.
Dự án khí đốt do Nga dẫn đầu được cho là đã hoàn thành hơn 94%. Dòng chảy phương Bắc 2 là một tuyến đường ống dẫn đôi dài gần 1.200 km sẽ dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức dưới Biển Baltic, đi qua vùng lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển.
Mỹ từ lâu chỉ trích dự án này, đồng thời đe dọa trừng phạt các công ty tham gia xây dựng đường ống. Mỹ cũng đang tìm cách bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các mỏ đá phiến sang châu Âu, trong đó có một số quốc gia như Ba Lan, Latvia và Litva.   
Tuy nhiên, đầu tháng 5, chính quyền Tổng thống Biden cho biết, công ty thi công dự án Nord Stream 2 AG và CEO của công ty này - ông Matthias Warnig nằm trong đối tượng bị trừng phạt nhưng sẽ được dỡ trừng phạt vì lý do an ninh quốc gia.