Dòng chảy từ Trung Quốc giảm làm gia tăng hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, lưu lượng dòng chảy từ Trung Quốc xuống hạ lưu liên tục giảm. Điều này đã và đang làm gia tăng hạn mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là dịp Tết Tân Sửu 2021.

Hạn mặn gia tăng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa.
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), lưu lượng dòng chảy từ Trung Quốc xuống hạ lưu tiếp tục giảm còn trên dưới 1.000 m3/s đến ngày 24/1/2021. Tuần từ ngày 18 - 23/1, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông có xu thế giảm, dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long cũng chung xu thế giảm theo triều.
Cụ thể, tại trạm Kratie: Mực nước trong tuần qua giảm 0,46m so với tuần trước. Tại Biển Hồ: Dung tích Biển Hồ là 6,26 tỷ m³, thấp hơn 1,44 tỷ m³ so với trung bình nhiều năm (9,08 tỷ m³). Tại Tân Châu và Châu Đốc: Mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc tuần từ 18 - 23/1 cũng giảm khoảng 0,52m và biển đổi theo triều.
Nhận định mới nhất của Tổng cục Thủy lợi cho biết, ảnh hưởng của việc giảm xả thủy điện Trung Quốc đến Đồng bằng sông Cửu Long có thể đạt lớn nhất vào thời kỳ Tết Tân Sửu (8/2/2012 - 16/2/2021). Mặn 4g/l khả năng xâm nhập vào sâu ở các cửa sông Cửu Long từ 48 - 70km, từ 75 - 90km trên sông Vàm Cỏ và từ 50 - 55km trên sông Cái Lớn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết thêm, đơn vị đang tiếp tục phối hợp với các Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tăng cường theo dõi thông tin từ thượng nguồn sông Mê Công. Ba bên liên tục cập nhật nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 để báo cáo Bộ NN&PTNT chỉ đạo phương án ứng phó phù hợp, kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...