Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Động đất và “dư chấn” kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/4, Thủ tướng Sharma Oli và người dân Nepal tổ chức buổi tưởng niệm những người đã mất trong vụ động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra cách đây một năm.

Không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người, nền kinh tế của Nepal sa sút nghiêm trọng sau động đất. Thảm họa thiên nhiên này cũng là mối nguy hại lớn gây thiệt hại hàng tỷ USD đối với Nhật Bản và Ecuador...
Trận động đất xảy ra tại Nepal năm 2015 đã để lại nhiều “dư chấn” về kinh tế.
Trận động đất xảy ra tại Nepal năm 2015 đã để lại nhiều “dư chấn” về kinh tế.
Một năm sau thảm họa, TP Kathmandu (Nepal) vẫn tiêu điều, bất chấp các nỗ lực phục hồi. Hơn ai hết, người dân Nepal là những người thấm thía nhất sự mất mát mà tác động từ thảm họa thiên nhiên mang tới. Họ vẫn đang dọn dẹp những mảnh vỡ như thể thảm họa mới vừa xảy ra. "Kathmandu vẫn hỗn độn. Khu vực quảng trường Durbar trông giống như động đất vừa xảy ra hôm qua" - Lara Miller, một khách du lịch Canada trở lại Nepal vào tháng 4 năm nay miêu tả. Một vài tòa nhà phải chống đỡ để tránh đổ sụp, vật liệu xây dựng được xếp chồng lên nhau, chuẩn bị xây dựng lại. Tuy nhiên, rất ít hoạt động xây dựng diễn ra. Người dân vẫn tiếp tục sống giữa đống đổ nát của các ngôi nhà cũ.

Không chỉ cuộc sống người dân bị ảnh hưởng, nền kinh tế của Nepal cũng khốn đốn sau trận động đất với khoản thiệt hại tương đương một nửa tổng GDP đất nước này. Theo Chính phủ Nepal, hơn 8.800 người đã thiệt mạng và 22.000 người bị thương, gần 900.000 công trình bị hư hỏng. Trận động đất đã kéo nền kinh tế quốc gia xuống “vực sâu”. Thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 10 tỷ USD. Điều này có thể thấy rõ nhất ở Thamel, nơi đã từng là khu du lịch tấp nập nhất vài năm trước đây. Thamel hiện tại trở nên trơ trọi, các du khách không trở lại do sợ hãi thảm họa và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thiếu nhiên liệu kéo dài 5 tháng cuối năm ngoái. Cảnh đói nghèo hiện lên rõ nét. Các cánh cửa đóng chặt, buổi đêm bắt đầu từ 8 giờ tối. "Du khách không trở lại đây nữa" - một người dân nơi đây cho biết.

Tình trạng này dường như đang lặp lại Ecuador, nạn nhân mới nhất của thảm họa động đất. Tại Ecuador, người dân ở khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất đang phải sống trong tình cảnh thiếu thốn lương thực và nước uống. Trong khi chính phủ phải đối mặt với nhiệm vụ tái thiết khổng lồ khi quốc gia này đang đối mặt với tình trạng giảm đáng kể nguồn thu từ dầu. Thiệt hại được ước tính khoảng 2 - 3 tỷ USD. Chính phủ nước này cũng cho biết sẽ tạm thời tăng một số loại thuế, chào bán một số tài sản của chính phủ và có thể phát hành trái phiếu ra nước ngoài để có nguồn tài chính phục vụ công cuộc tái thiết. Chính phủ Ecuador cũng kêu gọi du khách tiếp tục ủng hộ ngành công nghiệp không khói giá trị khoảng 1,7 tỷ USD nhằm “tiếp nhiên liệu” cho nền kinh tế.

Bên cạnh các vấn nạn về an ninh và tham nhũng, thảm họa thiên nhiên là một mối nguy lớn đe dọa sự thịnh vượng của quốc gia cũng như toàn thế giới. Theo một báo cáo, tình trạng thời tiết khắc nghiệt và thảm họa thiên nhiên do con người gây ra đã cướp đi sinh mạng hơn 26.000 người và làm thiệt hại về kinh tế khoảng 85 tỷ USD trong năm 2015.