Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Động lực cho nông thôn mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng (NTM) gồm 19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí xã đạt chuẩn NTM phải có 70% thôn, làng đạt tiêu chuẩn văn hóa trở lên. Xác định đây là một trong những tiêu chí then chốt, bảo đảm tính bền vững và là nền tảng cho xây dựng NTM, thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm đến phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa, đạt được nhiều kết quả.

 
Động lực cho nông thôn mới - Ảnh 1
Múa “Con đĩ đánh bồng” tại Lễ hội làng Triều Khúc. Ảnh: Hùng Vũ
 
Nhóm lửa cho phong trào

 
Nhiều năm nay, người dân ở các thôn, làng của huyện Quốc Oai đã bừng lên phong trào thi đua xây dựng thôn, làng văn hóa. Hầu hết các thôn, làng đều xây dựng được câu lạc bộ văn hóa quần chúng, trong đó nổi lên như các câu lạc bộ chiếu chèo, nhạc lễ xã Đại Thành, CLB tuồng Dương Cốc, xã Đồng Quang… khiến cho đời sống văn hóa, tinh thần khu vực nông thôn ngày càng phong phú. Những phong trào này đã khơi dậy trong lòng người dân tình yêu lao động, hăng say sản xuất.
 
Theo Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Vũ Hán, năm 2012, sau khi triển khai cho các thôn, làng, cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng thôn, làng, cơ quan, đơn vị văn hóa, toàn huyện có 101 thôn, làng, cơ quan, đơn vị đăng ký. Kết quả, đã có 46 thôn, làng, cơ quan, đơn vị đạt yêu cầu. Riêng đối với các thôn, làng toàn huyện có 105 thôn, làng (21 xã, thị trấn) thì 78 làng đã được công nhận làng văn hóa, chiếm tỷ lệ 74%.

Những năm về trước, mặc dù tỷ lệ làng được công nhận làng văn hóa vẫn tăng nhưng chất lượng làng văn hóa chưa cao. Việc công nhận danh hiệu làng văn hóa đôi lúc vẫn rơi vào tình trạng qua loa, đại khái, không thực chất và càng không bền vững. Khắc phục nhược điểm này, huyện Quốc Oai đã kiểm tra thường xuyên hơn, đánh thức được lòng tự hào, danh dự của mỗi người dân, mỗi gia đình, làng xóm trong phong trào xây dựng làng văn hóa. Nhờ vậy đã tạo phong trào thi đua sôi nổi giữa các làng với nhau.
 
Bên cạnh đó, huyện đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Huyện Quốc Oai chia làm 6 đoàn, giao cho 6 thường vụ huyện ủy phụ trách làm trưởng đoàn nhằm kiểm tra, uốn nắn, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên. Việc chấm điểm làng văn hóa cũng rất sát, huy động được sự vào cuộc của tất cả các phòng ban, ngành trên địa bàn huyện như: Công an rà soát đối chiếu về các trường hợp nghiện ma túy,  Phòng Y tế kiểm tra về các trạm y tế đạt chuẩn, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân hay như Phòng Lao động - Thương binh xã hội điều tra, rà soát về tỷ lệ hộ nghèo… Nhờ vậy, việc công nhận đã thực chất hơn rất nhiều" - ông Hán chia sẻ.

Quan tâm đến chất lượng

 
Ngoài Quốc Oai, nhiều địa phương khác như huyện Đông Anh đã thực hiện tốt việc tang trang trọng, tiết kiệm… Các huyện đã thành lập các ban chỉ đạo thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa do phó chủ tịch huyện trực tiếp làm trưởng ban. Nhiều huyện đã chú trọng công tác xây dựng triển khai thực hiện quy ước làng văn hóa làm tiền đề cho công tác xây dựng làng văn hóa. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Hà Nội Lê Thị Tân Trang, trong Chương trình xây dựng NTM, thành phố Hà Nội đã kịp thời có những hướng dẫn, điều chỉnh các nội dung còn chưa hợp lý, cụ thể trong việc đánh giá, bình xét, công nhận danh hiệu làng văn hóa.
 
Năm 2012, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch đã tham mưu với thành phố ban hành quy chế công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Ngay sau khi quyết định được ban hành, Sở đã tổ chức tập huấn cho các thành viên BCĐ các cấp để kịp thời phổ biến các nội dung mới nhằm triển khai kịp thời, thống nhất từ thành phố đến cơ sở. Phong trào xây dựng làng văn hóa tập trung vào các nội dung như: phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, giúp nhau phát triển kinh tế, tạo lập cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, xóa bỏ các hủ tục, giữ gìn thuần phong mỹ tục…

Năm 2012, tỷ lệ làng văn hóa toàn thành phố đã đạt 53,5%, so với năm 2011, số làng được công nhận tăng 0,05%, mức tăng này là không nhiều nhưng quan trọng là chất lượng làng văn hóa đã được nâng lên rõ rệt. "Chúng tôi không đặt quá nặng mức hoàn thành chỉ tiêu cụ thể giao hàng năm vào đánh giá kết quả phong trào nên không tạo áp lực cho các địa phương phải "chạy" theo thành tích"- bà Trang cho biết. Cũng theo bà Trang, cùng với đẩy mạnh phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa gắn với chương trình xây dựng NTM, thời gian tới thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng các nhà văn hóa tại các thôn, làng; ưu tiên xây dựng các thiết chế văn hóa ở các xã miền núi được triển khai phù hợp, thích ứng với nhu cầu và điều kiện từng địa phương sẽ là cơ sở bước đầu để các địa phương đẩy mạnh xây dựng làng văn hóa, góp phần vào hoàn thành sớm các chỉ tiêu trong xây dựng NTM.