Dù có sức vươn mạnh mẽ, song quy mô và nội lực của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam đa phần còn nhỏ và yếu, năng lực cạnh tranh thấp, sản phẩm chất lượng chưa cao, kỹ năng quản trị còn nhiều hạn chế… Đó là những hạn chế đã được nhìn nhận một cách chân thực, khách quan nhằm tìm ra những giải pháp phát triển khu vực kinh tế này.
Tạo dựng môi trường cho phát triển kinh tế tư nhânPhát triển KTTN là một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị T.Ư 5 đang diễn ra. Động lực mới cho phát triển KTTN đang và sẽ ngày càng hội tụ và cộng hưởng từ gia tăng các chuỗi liên kết và coi DN phải là lực lượng chủ lực trong việc xây dựng nền sản xuất kiểu mới, kiến tạo lại nền tảng thị trường hàng hóa phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn tiêu dùng tiên tiến của thế giới, dựa trên tư duy sản xuất sản phẩm độc đáo, thể hiện bản sắc, thế mạnh đặc trưng của tài nguyên và tài trí Việt Nam. DN cũng cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, đúng cam kết, đúng tiến độ, thực tâm hình thành mối quan hệ bình đẳng, “cùng thắng” với các bên trong chuỗi liên kết khép kín; có trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa, vượt qua mọi rào cản kỹ thuật quốc gia và quốc tế, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững.Sản xuất linh kiện tại Công ty TNHH Cơ khí & tự động hóa, Khu công nghiệp Lai Xá. Ảnh: Trần Đức |
Nhà nước cần tìm tòi và nhân rộng các cách làm mới, đột phá hơn trong quản lý DN và kinh doanh; nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội DN trong hỗ trợ DN đầu tư cả trong và ngoài nước; Nới lỏng các quy định hạn điền và linh hoạt các cách thức thuê đất vừa tuân thủ đúng Luật Đất đai, bảo đảm lợi ích và quyền sở hữu ổn định của người dân, vừa thuận lợi cho DN an tâm đầu tư với thời hạn dài, cải thiện hiệu quả kinh doanh theo quy mô lớn, phát triển thị trường thứ cấp về đất kinh doanh; chú trọng hình thức hợp tác công - tư (PPP), khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững; Coi trọng giáo dục lòng yêu nước tự hào dân tộc và bản lĩnh kinh doanh cho các doanh nhân và người lao động trong khu vực KTTN; Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và các hiệp hội, nghề nghiệp đối với khu vực KTTN, cũng như đối với từng DN.
Ngoài ra, cần coi trọng phát triển các dịch vụ tư vấn, thông tin và dự báo thị trường, hỗ trợ kinh doanh; giảm thiểu cho khu vực DN các gánh nặng thể chế, tài chính và tín dụng trong đầu tư mở rộng thị trường trong nước và hỗ trợ các DN tư nhân đầu tư ra nước ngoài; xây dựng văn hóa DN, văn hóa kinh doanh và văn hóa quản lý, thúc đẩy tinh thần tự trọng, tự tôn và tự hào dân tộc, gắn kết và hợp tác cộng đồng, phát triển các tập đoàn KTTN, các “công ty mẹ - con” và các hiệp hội DN ngành nghề phù hợp, hỗ trợ cho KTTN phát triển; đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, kiểm soát độc quyền và hạn chế các hiện tượng tiêu cực trốn lậu thuế, làm hàng giả trong sản xuất, kinh doanh.Một lần nữa đòi hỏi tiếp tục đổi mới tư duyĐó là yêu cầu cấp thiết nhằm khơi nguồn cho những đổi mới trong phát triển trên tinh thần kiến tạo, giải phóng sức sáng tạo và phát huy toàn diện vai trò của DN, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất; tạo cơ hội cho DN, nhà đầu tư có sự lựa chọn và phản ứng nhanh nhạy, đáp ứng hiệu quả hơn với các tín hiệu thị trường, chủ động đổi mới, thích ứng và tập trung vào sản xuất cái mà xã hội, kể cả trong nước và nước ngoài đang cần; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo ra những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia đại diện tiêu biểu, góp phần hình thành nên một diện mạo mới cả về kinh tế và vị thế trên thị trường quốc tế của Việt Nam trong những thập niên tới…Quá trình xóa bỏ những thể chế kìm hãm DN, điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực DN, lấp đầy những “khoảng trống thể chế” cần thiết để hỗ trợ DN phát triển lành mạnh, hiệu quả đã, đang và sẽ cho phép từng bước định hình một tầm nhìn mới, một thực tiễn mới và mở ra triển vọng phát triển mới với nhiều thay đổi về chất đối với vai trò, vị thế và cách thức tổ chức mới của khu vực KTTN trong toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ chuyển mình hội nhập cùng thế giới...Gia công các loại linh kiện cho ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Cơ khí Tâm Hợp, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Thanh Hải |
Xóa bỏ những định kiến về thành phần kinh tế nói chung, về KTTN nói riêng phải trở thành khâu đột phá trong nhận thức và cơ sở pháp lý cho sự phát triển KTTN tương lai. Theo đó, cần tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sự tự do hóa ngày càng cao, đầy đủ và rộng rãi các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho phép khu vực KTTN tham gia. Đặt khu vực kinh tế Nhà nước ngày càng bình đẳng với các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của DN trong sự cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật và nguyên tắc thị trường; xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực KTTN, chuyển từ mục đích "quản chặt" sang "hỗ trợ” DN bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, cũng như tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn..., chứ không theo từng DN, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu. Tăng cường phân cấp quản lý kinh tế - xã hội cho các cấp chính quyền địa phương theo phương châm: Việc nào mà cấp nào, đơn vị nào làm nhanh, hiệu quả nhất thì giao cho cấp đó, đơn vị đó đảm nhận. Thúc đẩy cải cách hành chính nhằm thống nhất, đơn giản hóa và hiện đại hóa các quy trình, thủ tục, công nghệ và tiêu chuẩn quản lý kinh tế - xã hội, trong đó có quản lý Nhà nước đối với khu vực KTTN tiếp cận với yêu cầu và trình độ quốc tế. Cải cách, tăng cường năng lực và hiệu lực của các định chế và chế tài, kinh tế, hành chính, cũng như bộ máy tư pháp quốc gia và địa phương nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích Nhà nước, lợi ích DN, doanh nhân và người lao động, phát triển hệ thống an sinh xã hội, hệ thống phòng ngừa rủi ro, cảnh báo sớm các nguy cơ và giải quyết kịp thời các chấn động kinh tế - xã hội do quá trình thúc đẩy phát triển KTTN và hội nhập kinh tế quốc tế gây ra; Khen thưởng kịp thời và tôn vinh thích đáng các đơn vị và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quản lý và phát triển KTTN.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có tới 96% DN tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% DN quy mô vừa và 2% DN lớn và chỉ được sử dụng chưa đến 30% diện tích đất kinh doanh cả nước. Trước đây, Việt Nam có học hỏi kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc và Nhật Bản là phát triển dựa trên các trụ cột là các tập đoàn kinh tế. Nhưng chúng ta học vội quá. Chiến lược phát triển của họ là lấy các tập đoàn kinh tế tư nhân làm trụ cột. Ta quên mất hai chữ tư nhân, và xây dựng các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Do đó, phải tạo lập một thị trường mà trong đó các tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò trụ cột; Thiết kế một hệ thống chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Chính sách về cạnh tranh hiện đang tạo ra nhiều rào cản kinh doanh và hạn chế cạnh tranh của DN tư nhân. Đơn cử như ấn định giá cho nhiều hàng hóa quan trọng (xăng dầu, than, đất đai…); đặt ra quy định khiến một số DN gặp bất lợi hơn; hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nếu không cổ phần hóa DN Nhà nước một cách thực chất thì không có cơ hội để DN tư nhân, kể cả DN tư nhân lớn thể hiện sức mạnh... Từ những thực tế trên cho thấy, rõ ràng bài toán đang được đặt ra lúc này với các nhà hoạch định chính sách là làm thế nào để tạo không gian để khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, thực chất hơn. TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư |