Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Động lực mới cho Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến năm 2020, Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ sẽ phát triển thành trung tâm...

Kinhtedothi - Đến năm 2020, Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ sẽ phát triển thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước, đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông tại Lễ công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐ Bắc Bộ đến năm 2020 tổ chức ngày 25/6.

GDP tăng trưởng 8,25%

Theo Quy hoạch, không gian phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ sẽ gồm 2 tiểu vùng: Tiểu vùng Thủ đô Hà Nội và Tiểu vùng duyên hải. Trong đó, Tiểu vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Tiểu vùng duyên hải gồm TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Một trong những mục tiêu của Quy hoạch là xây dựng Vùng KTTĐ Bắc Bộ trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế. Dự kiến đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.500 USD/năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,25%, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản trong GDP là 5,5%, công nghiệp - xây dựng: 49,1%, dịch vụ: 45,4%, giá trị xuất khẩu chiếm 32% cả nước…
Lắp ráp xe máy tại Công ty Honda Việt Nam.     Ảnh: Hoàng Vũ
Lắp ráp xe máy tại Công ty Honda Việt Nam. Ảnh: Hoàng Vũ
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, vùng kinh tế này sẽ phải vượt qua nhiều thách thức. Bởi, mặc dù là vùng có tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng chỉ có than và đá vôi là có khả năng khai thác quy mô công nghiệp. Ngành công nghiệp phụ trợ vừa thiếu vừa yếu: Hiện cả vùng mới chỉ có khoảng 350 DN công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ và vừa. Thực tế hoạt động của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại đây cho thấy, DN FDI rất khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác cung ứng nguyên phụ liệu phụ trợ nên tỷ lệ nội địa hóa của một số DN lớn như Toyota, Honda, Canon… mới chỉ đạt từ 8 - 18%. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, mặc dù các ngân hàng tại Vùng KTTĐ Bắc Bộ đã khá phát triển nhưng vốn điều lệ hoạt động còn thấp so với các ngân hàng thương mại trong khu vực châu Á nên khả năng liên kết với quốc tế, ứng dụng công nghệ còn hạn chế, các dịch vụ cung ứng vẫn thiếu và yếu.

1.830.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng

Tại Lễ công bố Quy hoạch, ông Vũ Quang Các - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT) cho biết: Giai đoạn 2014 - 2020, Vùng KTTĐ Bắc Bộ sẽ cần 1.830.000 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, riêng giai đoạn 2014 -2015 cần 400.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 cần 1.430.000 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, xử lý rác thải, nước thải, cơ sở phát điện… từ đó đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tạo cơ sở cho các địa phương trong toàn bộ miền Bắc cùng phát triển.

Để làm được điều này, trong thời gian tới, Vùng KTTĐ Bắc Bộ sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp có lợi thế, khả năng cạnh tranh, có giá trị nội địa hóa cao, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông... Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo có tiềm năng, có hàm lượng công nghệ cao, tạo bước nhảy vọt về chất lượng, nâng cao năng suất lao động. Phát triển công nghiệp ở nông thôn gắn với sự phát triển nông nghiệp. Mở rộng quy mô công nghiệp dược, chế biến thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu. Mục tiêu đến năm 2015, tăng trưởng công nghiệp - xây dựng bình quân đạt khoảng 8,2%/năm, thời kỳ 2016 - 2020 đạt 10%/năm...

 "Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP trong vùng cần khẩn trương xây dựng cơ chế và nội dung phối hợp để thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho DN. Các địa phương cần tăng cường phối hợp tổ chức các chương trình vận động chung để thu hút vốn FDI, tránh các xung đột, cạnh tranh giữa các địa phương" - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh.
 
Theo Quy hoạch, Hà Nội sẽ tập trung phát triển thành trung tâm tài chính - ngân hàng đẳng cấp quốc tế theo hướng hiện đại hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, du lịch theo hướng gắn với nền văn minh sông Hồng... Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ là hạt nhân đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và dịch vụ thu ngoại tệ tại chỗ, tăng cường đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại...