Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Động lực thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên hoan du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội 2014 với chủ đề "Tinh hoa hội tụ", chào mừng 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đang diễn ra tại Cung thể thao Quần Ngựa.

Chỉ trong hai ngày đầu, Liên hoan đã thu hút hàng ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và mua sắm. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy du lịch và làng nghề Thủ đô cùng phát triển.

Tôn vinh các làng nghề truyền thống

So với Liên hoan du lịch Làng nghề truyền thống lần đầu (năm 2013), liên hoan năm nay có quy mô hoành tráng hơn, nội dung phong phú, hấp dẫn với 366 gian hàng triển lãm cùng hàng trăm nghệ nhân nổi tiếng của Hà Nội và cả nước. Điều đó làm tăng thêm sức hút cho du khách khi đến với Cung thể thao Quần Ngựa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã tới tham quan Liên hoan du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội 2014.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã tới tham quan Liên hoan du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội 2014.
 

Rất nhiều người không rời mắt khỏi các sản phẩm lụa tơ tằm của làng Vạn Phúc (Hà Đông); những cây tò he, tranh tò he của làng Xuân La (Phú Xuyên); hay các sản phẩm gốm, sứ Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh… Thậm chí ở đây còn trưng bày nhiều sản phẩm kỳ công trong nhiều tháng với sự tham gia của các thợ thủ công.
 
Các đại biểu tham quan Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống.
Các đại biểu tham quan Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống.
Nghệ nhân Lê Văn Nguyên, làng nghề thêu tay Thắng Lợi (huyện Thường Tín) mang đến rất nhiều tranh thêu do chính ông và gia đình làm. Ông cho biết: "Có những bức tranh phải mất hàng tháng trời mới thêu xong. Tôi tham gia Liên hoan này không chỉ với mục đích bán hàng mà hơn thế, tôi muốn quảng bá nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc sắc của làng nghề thêu tay Thắng Lợi đến với người dân và du khách". Ngắm những bức tranh thêu tay cầu kỳ, ai nấy đều cảm nhận được sự tài hoa, khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ và tình yêu quê hương, yêu nghề của nghệ nhân Lê Văn Nguyên. Là thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa ở làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức), sự say nghề, sáng tạo của bà Phan Thị Thuận cũng đã cho ra đời loại bông tơ tằm tự dệt độc đáo.

Ông Mai Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết, nhằm tôn vinh tài hoa của các nghệ nhân làng nghề truyền thống, trong suốt 4 ngày diễn ra Liên hoan, tại các gian hàng diễn ra hoạt động trình diễn thao tác tay nghề để người xem có thể hiểu và trân trọng giá trị của các làng nghề cha ông để lại. Du khách cũng được tham gia trực tiếp vào một số công đoạn nặn tò he, dệt lụa, viết thư pháp, làm gốm, sứ, mây tre đan… Những hoạt động này gắn kết và kích thích sự phát triển của du lịch làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, năm nay, Liên hoan còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhiều trò chơi dân gian truyền thống, ẩm thực độc đáo.

 
Chiều 10/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã tới tham quan Liên hoan du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội 2014. Tại mỗi gian hàng, đồng chí Phạm Quang Nghị bày tỏ niềm yêu thích đối với các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Thủ đô và cả nước, đồng thời, mong muốn các nghệ nhân tiếp tục giữ vững tình yêu nghề, yêu quê hương đất nước để phát triển hơn nữa các giá trị làng nghề cha ông để lại.
Gắn kết du lịch với làng nghề

Mục đích lớn nhất của TP khi tổ chức sự kiện này là thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề của Thủ đô, một tiềm năng lớn chưa được khai thác xứng tầm. Cho nên, Ban Tổ chức đã tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp du lịch tìm hiểu về sản phẩm nghề và làng nghề, tăng cường mối liên kết giữa hai lĩnh vực du lịch và làng nghề Hà Nội. Đặc biệt, ngay tại Liên hoan, mỗi ngày đều có các tour du lịch làng nghề, phố nghề trong nửa ngày hoặc một ngày. Các doanh nghiệp du lịch, khách sạn và hàng không cũng phối hợp giới thiệu, chào bán các chương trình du lịch kích cầu cũng như các tour chuyên đề về phố nghề, làng nghề của Hà Nội tới du khách.

Bà Lê Quỳnh Phương - đại diện Công ty du lịch Vietravel Hà Nội cho biết: "Hiện Vietravel thường xuyên đưa khách đến làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc tham quan, mua sắm. Những điểm đến này luôn tạo được ấn tượng tốt đối với du khách. Qua hai mùa liên hoan, có thể thấy, Hà Nội vẫn còn rất nhiều tiềm năng du lịch làng nghề. Chúng tôi đang nghiên cứu, tìm hiểu để đưa thêm làng nghề mây tre đan Phú Vinh trở thành điểm đến mới trong chuỗi các sản phẩm du lịch của công ty". Bên cạnh cơ hội quảng bá sản phẩm, xúc tiến du lịch với các đơn vị du lịch, các làng nghề cũng như các nghệ nhân, thợ thủ công có cơ hội hiểu hơn tâm lý du khách để cải tiến sản phẩm. Như chia sẻ của bà Kalinina Oxana, một du khách Nga: "Tôi rất thích những lọ hoa bằng sứ, tuy nhiên, những lọ nhỏ không đa dạng về kiểu dáng, những lọ to lại không tiện mang đi nên đành ngậm ngùi tiếc nuối. Tôi đã chọn mua được một bức tranh thêu tay vì khi bỏ phần khung, bức tranh rất gọn, nhẹ".

Hy vọng, với những nỗ lực của Sở VHTT&DL, sự đầu tư của TP Hà Nội, nhiều tour du lịch làng nghề truyền thống mới sẽ được mở ra và phát huy tiềm năng vốn có.

 
Hà Nội hiện có hơn 1.000 làng có nghề, trong đó có 300 làng được công nhận là làng nghề truyền thống, chiếm 47/52 nghề của toàn quốc với nhiều địa danh nổi tiếng có các sản phẩm nghề thủ công độc đáo, hấp dẫn du khách. Những năm gần đây, ngành du lịch Thủ đô Hà Nội có nhiều khởi sắc. 9 tháng năm 2014, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội vẫn đạt trên 2 triệu lượt khách, tăng 15%; khách nội địa đạt 12 triệu lượt, tăng 7%.