Đồng Nai: Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động

Trương Hiệu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng số lao động làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là trên 1,2 triệu người. Tuy nhiên, tính đến nay toàn tỉnh có 586 cơ sở, doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch bệnh Covid-19 với hơn 316.000 lao động bị ngừng việc.

Từ đầu tháng 7/2021 đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Đồng Nai diễn biến hết sức phức tạp. Dịch bệnh đã xuất hiện trong cộng đồng và xâm nhập vào một số doanh nghiệp. UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều quyết định thiết lập vùng cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động sản xuất, kinh doanh, do đó ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động.

Người lao động ngoại tỉnh được giải quyết trở về quê nhà tránh dịch Covid-19 vào cuối tháng 7/2021. (Ảnh: QH)
Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Sở LĐTB&XH) tỉnh Đồng Nai, hiện nay nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đã ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động. Thu nhập giảm sút, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động gặp nhiều khó khăn.
Nhiều người lao động có nhu cầu được hỗ trợ trở về địa phương nơi đăng ký thường trú. Tuy nhiên, do dịch bệnh phức tạp tại các địa phương khác nhau, việc di chuyển giữa các tỉnh và thành phố gặp khó khăn nên việc hỗ trợ cho người lao động phụ thuộc vào thỏa thuận giữa tỉnh Đồng Nai và các địa phương tiếp nhận.
Việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” giúp doanh nghiệp vừa ổn định sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên trong thời gian qua, khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”, tại nhiều doanh nghiệp xuất hiện các ca mắc nhiễm Covid-19.
Trong các doanh nghiệp, môi trường tập trung đông người, người lao động lại có tiếp xúc gần. Vì vậy, khi xuất hiện các ca bệnh F0, tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh, gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Công tác phòng chống dịch không được đảm bảo.
Tính đến ngày 31/7/2021, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận trên 31.200 hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Để đảm bảo kịp thời giải quyết chế độ thất nghiệp cho người lao động theo đúng quy định, Sở LĐTB&XH Đồng Nai đã chỉ đạo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh linh hoạt các giải pháp nhằm giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Tính đến ngày 31/7/2021, Sở LĐTB&XH đã hỗ trợ giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động và Bệnh nghề nghiệp cho hơn 10.300 đơn vị và hơn 754.000 người lao động với số tiền trên 130 tỷ đồng/12 tháng. Hỗ trợ người lao động và người sử dụng tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 3 đơn vị và 239 người lao động với số tiền trên 930 triệu đồng.
Đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tính đến ngày 2/8/2021, Sở LĐTB&XH Đồng Nai đã thực hiện rà soát trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ hơn 21.000 người với số tiền là trên 31,6 tỷ đồng. Trong đó UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt 9.212 người với số tiền hỗ trợ trên 13,8 tỷ đồng. Các địa phương đang tiếp tục rà soát các đối tượng để trình đề nghị hỗ trợ.
Kiến nghị Bộ LĐTB&XH hướng dẫn một số vướng mắc
Trước thực trạng trên, Sở LĐTB&XH Đồng Nai kiến nghị Bộ LĐTB&XH hướng dẫn trường hợp trả lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động. Các doanh nghiệp này hiện đang gặp khó khăn về cung ứng nguyên vật liệu, xuất hàng, cung ứng thực phẩm. Người lao động không đến doanh nghiệp để làm việc được, buộc doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất.
Trường hợp khác là doanh nghiệp không nằm trong khu vực cách ly y tế nhưng không có điều kiện để bố trí “3 tại chỗ” theo yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai nên buộc phải tạm dừng hoạt động.
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai, các trường hợp doanh nghiệp trên đều không nhận được quyết định hoặc văn bản yêu cầu cá biệt nào của cơ quan quản lý nhà nước về việc yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Người lao động tại các doanh nghiệp trên phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Như vậy, những doanh nghiệp này có thuộc trường hợp “doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19” để làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg như thế nào?
Ngoài ra, trong chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc theo Điều 17 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định đối tượng “người lao động phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong toả theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, các văn bản của tỉnh Đồng Nai chỉ ghi cụm từ “giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16”. Đồng thời, các quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai ghi “Quyết định thành lập vùng cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19”, không có cụm từ “khu vực phong tỏa”.
Sở LĐTB&XH Đồng Nai đề nghị Bộ LĐTB&XH cho ý kiến về khái niệm “khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước” trong Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động.