Quan ngại mới về sức khỏe nền kinh tế
Cụ thể, Văn phòng Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã hạ mức tăng trưởng GDP năm 2014 của nước này xuống 7,3% từ con số ban đầu là 7,4%. Biên độ điều chỉnh khá khiêm tốn, tuy nhiên cho thấy khoảng cách với mục tiêu tăng trưởng 7,5% của năm ngoái đã thêm một nấc. Do đó, có thêm lý do cho rằng Trung Quốc sẽ còn chật vật hơn dự kiến để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% của năm nay.
Giới chức Trung Quốc cho biết, số liệu này sẽ được điều chỉnh một lần nữa khi công bố lần cuối vào đầu năm 2016.
Nguyên nhân chính là do tăng trưởng của ngành dịch vụ Trung Quốc được điều chỉnh giảm xuống 7,8% từ mức 8,1% ban đầu. Động thái này làm dấy lên nghi ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh nước này đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ phụ thuộc đầu tư sang thúc đẩy tiêu thụ và dịch vụ.
Với mục tiêu tăng trưởng 7% năm 2015, ngay cả khi Trung Quốc đạt được, thì đây vẫn là mức tăng trưởng chậm nhất trong 25 năm qua. Dù hoàn thành mục tiêu này sau 2 quý đầu năm nay, nhiều chuyên gia nhận định nửa cuối năm 2015, Trung Quốc sẽ phải đối diện với động lực tăng trưởng yếu ớt do bất ổn từ thị trường tài chính.
Xoa dịu dư luận?
Trung Quốc vẫn điều chỉnh số liệu tăng trưởng hàng năm, nhưng thường điều chỉnh tăng lên. Năm ngoái, Bắc Kinh đã điều chỉnh tăng trưởng năm 2013 dựa trên khảo sát mới. Do đó, động thái điều chỉnh giảm lần này là một điều bất thường. Theo hãng tin CNBC, mức GDP thấp hơn trong năm 2014 đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ có cơ sở so sánh dễ dàng hơn cho năm 2015. Trong khi đó, hãng Credit Agricole nhận định, việc điều chỉnh giảm tăng trưởng 0,1% không phải là vấn đề lớn, nhưng có ảnh hưởng tới tâm lý vì đây là diễn biến theo hướng tiêu cực.
Tần suất Trung Quốc điều chỉnh GDP - dữ liệu vấp phải nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế về tính minh bạch cũng như phương pháp thiếu nhất quán, diễn ra ít thường xuyên hơn một số quốc gia khác. Năm 2007, một quan chức cấp cao ở Trung Quốc cho biết số liệu GDP của nước này là “nhân tạo” và “không đáng tin”. Do đó, ngay sau khi mức tăng trưởng GDP quý II/2015 do Trung Quốc công bố vượt dự báo của giới phân tích, bằng đúng mục tiêu 7%, cuộc tranh luận về tính chính xác của số liệu này đã dấy lên. Tranh luận về tính chính xác của số liệu GDP là chủ đề ưa thích của giới quan sát nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Do đó, đây có thể là động thái mà Trung Quốc dùng để xoa dịu những nghi ngại trên, bất chấp sự điều chỉnh này có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.
“Bong bóng” chứng khoán Trung Quốc đã vỡ khiến nhiều người lo lắng cho tình trạng sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
|